Sáng 15/5, Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và hơn 300 đại biểu đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia cấp cao quốc tế.
Hội nghị đã diễn ra một ngày với phiên toàn thể buổi sáng và thảo luận chuyên đề buổi chiều. Tại hội nghị lần đầu tiên các chuyên gia cấp cao quốc tế về đổi mới sáng tạo đã đến Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những gợi ý để khoa học công nghệ có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu về những đóng góp của khoa học và công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, các chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm.
Bộ trưởng cũng nêu trăn trở làm thế nào để Việt Nam phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đây cũng là vấn đề ông mong muốn nhận được gợi ý từ các chuyên gia cấp cao vốn có kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở các quốc gia từng trải qua giai đoạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế có thu nhập trung bình, trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao và thu nhập cao. "Giải pháp gì để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm và kiến nghị nào dành cho Việt Nam", Bộ trưởng đề nghị.
Tại hội nghị đã có 14 ý kiến của các chuyên gia đưa ra gợi ý, trong đó ông Stefan Hajkowicz - Nhà khoa học cao cấp CSIRO cho rằng, công nghệ số cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra tài sản, thúc đẩy tăng trưởng. Sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số, dự kiến đóng góp từ 10 đến 20 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025.
Minh chứng cho điều này ông lấy ví dụ về việc lắp đặt 2.400 cảm biến cho cầu Habour ở Sydney cùng với các chương trình học máy và phân tích dự báo, hệ thống có thể dự báo chính xác thời gian và vị trí trước khi sự cố xảy ra. Hệ thống giúp cây cầu trở nên an toàn hơn và cũng tiết kiệm chi phí.
Cũng đến từ CSIRO, bà Lucy Cameron - tư vấn nghiên cứu cao cấp cho rằng, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. "Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045" bà nói và nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Quốc tế tại Việt Nam cho rằng đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên năng suất là yêu cầu cấp thiết, điều này đặt biệt đúng trong bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra, những cải cách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi tiếp cận toàn diện hệ thống đổi mới quốc gia, tập trung vào nâng cao năng lực chính phủ, cơ chế ưu đãi từ bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh tới sự thay đổi dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ mang hiệu quả cho nền kinh tế. TS Kym Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, cần có định hướng và đi tới tận cùng để hình thành viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ. Ông cũng đưa ví dụ về câu chuyện phát triển của Hàn Quốc đã thành công với hướng đi này và cho rằng viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất; là công cụ cho quan hệ đối tác công-tư (PPP); là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho Việt Nam.
Phát biểu kết luận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp, các hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với chuyên gia quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, tài nguyên tự nhiên có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) cho thấy, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
"Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Nếu tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở", Thủ tướng khẳng định và cho rằng trong các doanh nghiệp và tổ chức, sự sáng tạo của con người là vốn quý giá nhất.
Ông cũng chỉ đạo, từ những góp ý của chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ phát huy vai trò điều phối giữa các bộ, ngành, các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng mong các bộ, ban, ngành tổ chức, doanh nghiệp sẽ bắt tay hành động cụ thể, thúc đẩy sáng kiến cải tiến, đổi mới sáng tạo, đồng thời, đầu tư và sử dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ban Khoa học
Xem diễn biến chính