Sáng 13/1, đầm nuôi cá chép đỏ ven sông Hóa của làng Hội Am tấp nập khách ra vào. Từ 3 ngày trước, chủ đầm đã cho máy bơm hút cạn nước rồi dùng lưới vây bắt cá đưa lên bể xi măng để thương lái đến thu mua và mang đi tiêu thụ ở Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình.
Với kinh nghiệm 30 năm nuôi cá chép đỏ, ông Nguyễn Văn Lượng, chủ đầm cá rộng 750 m2, cho biết cá giống được thả vào cuối tháng 6, nuôi bằng cám và thường xuyên kiểm soát số lượng cho phù hợp với diện tích nuôi. "Cuối năm phải cẩn trọng nhất, thời tiết lạnh, cá ít ngoi lên mặt nước nên cần sục nhiều oxy vào đầm và phòng bệnh nấm cho cá", ông Lượng cho hay.
Hai ngày hôm nay, gia đình ông Lượng xuất bán khoảng 5 tạ cá chép mỗi ngày.
Cá chép đỏ loại 20-30 con mỗi kg được bán 90.000-110.000 đồng/kg, cá chép thường 60.000-70.000 đồng/kg. Anh Vũ Văn Cường, từ Quảng Ninh về Hội Am nhập 8 tạ cá chép, cho hay giá cá năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái do nguồn cung dồi dào hơn. Tại các chợ dân sinh, cá chép bán khoảng 20.000 đồng/con cho người dân cúng ông Công, ông Táo.
Nuôi cá cho thu nhập cao hơn 5 đến 7 lần so với trồng lúa. "Nhà nuôi ít khoảng vào trăm mét vuông thì cũng có tiền ăn Tết to. Nhà nuôi hàng hecta là có cuộc sống khá giả", bà Hoàng Thị Tốt, một trong những hộ có diện tích nuôi cá lớn nhất làng Hội Am, chia sẻ.
Ông Đào Xuân Luân, Chủ tịch xã Cao Minh, cho biết nghề nuôi cá ở làng Hội Am có từ 50 năm nay. Cả làng có 300 hộ dân với 60 ha đầm nuôi cá. Từ 30 năm nay, 20 hộ trong làng phát triển việc nuôi cá chép đỏ bán dịp Tết ông Công ông Táo trên diện tích 10 ha, xuất bán khoảng 20 tấn mỗi vụ, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hộ.
Với hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được vùng đất thấp ven sông nên mô hình nuôi cá chép đỏ ở Hội Am được UBND huyện Vĩnh Bảo phát triển. UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở lớp tập huấn, ứng dụng kỹ thuật mới vào việc nuôi và phòng chữa bệnh cho cá. "Chúng tôi cũng đang lên phương án làm du lịch sinh thái tại đây", ông Luân nói.
Lê Tân