Chiều 12/4, Đại học Thủy lợi tổ chức hội thảo về cồn cát Cửa Đại (Quảng Nam) với sự tham của nhiều nhà khoa học.
Từ kết quả phân tích của mình, PGS Trần Thanh Tùng (Đại học Thủy lợi) nhận định luôn tồn tại một cồn ngầm nối bờ bắc và nam biển Cửa Đại dưới dạng các đảo chắn. Những năm 1981-1988 xuất hiện cồn cát nổi lệch về phía bắc Cửa Đại, cách bờ 2 km, dài 4,5 km, rộng trung bình 500 m, dân gọi là cồn Áng. Sau trận bão năm 1989, cồn Áng bị dịch chuyển, nối với bờ bắc, tạo doi cát nổi kiểu bán đảo và một vịnh nửa kín bên trong cửa Đại.
Cùng quan điểm, GS Nguyễn Trung Việt và nghiên cứu sinh Dương Công Điển sử dụng ảnh viễn thám để chứng minh 30 năm trước hình thành một cồn cát ở Cửa Đại với quy mô lớn hơn 4 lần cồn cát hiện tại và ở gần bờ hơn. Cồn cát là kết quả của sự hội tụ, tương tác giữa lũ lớn từ sông, tác động của trường sóng vào khu vực ven bờ và trường thủy động lực học biển Cửa Đại.
GS Lương Phương Hậu cũng cho rằng nguyên nhân chính hình thành cồn cát Cửa Đại do chất trầm của sông Vu Gia - Thu Bồn. Việc hình thành cồn cát song hành với quá trình sạt lở, bồi tụ bờ biển Cửa Đại với chu kỳ khoảng 20-30 năm. Vì vậy, muốn chống sạt lở bờ biển Cửa Đại không thể không can thiệp vào quá trình hình thành và tồn tại của cồn cát.
Không đồng tình với phân tích trên, ông Phùng Đăng Hiếu, Viện phó Nghiên cứu biển, hải đảo (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng một số nhà khoa học đang dựa trên kinh nghiệm sách vở và quy luật tự nghiên để dự đoán cồn hình thành do chủ yếu bùn từ cửa sông của Đại mang ra. Đánh giá đó có cơ sở khoa học, nhưng chưa đủ thuyết phục.
Theo ông Hiếu, cần làm rõ cồn cát hình thành từ đâu, từ đó có thể đưa ra giải pháp khai thác cát ở đó hay không. Hiện vẫn chưa có câu trả lời dòng xói lở ở bờ bãi phía bắc mang cát đi đâu? Liệu vật chất ở cồn có phải phần lớn từ bãi phía bắc hay không?
PGS Nguyễn Thọ Sáu (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng băn khoăn việc chỉ dùng những hình ảnh viễn thám và suy diễn theo quá trình kinh điển để đưa ra nguyên nhân hình thành cồn cát. Ông đề nghị phân tích trầm tích cát bùn và cát mịn ở cồn cát có cùng nguồn gốc không từ đó có thể suy luận cồn hình thành từ nguồn xói lở của biển hay trầm tích cửa sông.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý (Đại học Thủy lợi) cho rằng, các đại biểu chưa nêu rõ có yếu tố con người trong quá trình hình thành cồn cát hay không? Vai trò của thủy điện sông Tranh từ năm 2006 đến nay như thế nào, vì khi xây xong nhà máy thủy điện sẽ gây ra xói lở hạ lưu trên diện rộng. Ngoài ra, hiện chưa có báo cáo nào đề cập đến việc khai thác cát khu vực Cửa Đại với số lượng lớn những năm trước có dẫn đến sự xói lở và bồi lắng hay không?
Sau hơn ba tiếng ngồi nghe các nhà khoa học nói về bãi cát bồi tại Cửa Đại, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh thừa nhận những câu hỏi được ông mang ra từ Quảng Nam vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Dù cuộc hội thảo có nhiều ý kiến hay nhưng để can thiệp vào một hiện tượng ở cửa sông, bờ biển cần có nhiều thời gian với sự tham gia đông hơn của các bộ, ngành liên quan.
Ông Thanh mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để giải đáp những câu hỏi: việc hình thành bãi bồi Cửa Đại là bình thường hay dị thường; cồn cát tạo ra từ nguồn vật chất nào; nên để thuận theo tự nhiên, không tác động vào cồn cát hay can thiệp bằng một công trình để điều chỉnh hướng đảo cát giảm thiểu tác động không có lợi.
"Tôi hy vọng xong hội thảo này, sẽ có lúc nào đó chúng ta ra cồn cát dựng cái rạp và tổ chức hội thảo trên bãi đó", lãnh đạo Quảng Nam vừa cười vừa nói.
Cồn cát trên biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017 và đến nay diện tích nổi lên khoảng 15 hecta; dài hơn một km; khoảng cách gần nhất từ cồn cát đến đất liền 1,4 km.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, phần nổi lên khoảng 15 ha, nhưng phần bên dưới có thể lên đến 100 ha.