Ngư dân Nguyễn Văn Bình thường đánh bắt hải sản gần bờ vùng biển Cửa Đại cho biết, cồn cát này xuất hiện từ năm 2017, ban đầu chỉ một ít ở hạ nguồn sông Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại, chưa nổi lên khỏi mặt nước.
Đầu 2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và lớn dần. "Càng ngày cát bồi thêm đã tạo thành hòn đảo", ông Bình nói và cho hay từ ngày có cồn cát một số người ra đây chơi, từ cảng Cửa Đại đi thuyền khoảng 10 phút.
Các nhà nghiên cứu bước đầu xác định cồn cát có tổng diện tích khoảng 15 ha; dài hơn 1 km, chiều rộng lớn nhất là 200 m, chiều cao trung bình so với mặt nước biển là 2 m.
Khoảng cách gần nhất từ cồn cát đến đất liền gần 1.400 m. Qua theo dõi diễn biến hình thành, cồn cát tiếp tục bồi về phía nam và lấn vào bờ nam Cửa Đại, xã Duy Hải, Duy Xuyên.
Nhà chức trách xác định cồn cát xuất hiện gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường thủy cho tàu thuyền hoạt động tại khu vực này. Đặc biệt là tàu cá ra vào khu neo đậu Hồng Triều và Cửa Đại gặp khó khăn do hiện tượng bồi lấp luồng lạch.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An, cho hay việc hình thành các doi cát ở Cửa Đại thực chất không còn lạ, nhưng nguyên nhân khiến một cồn cát lớn như vậy xuất hiện ở vùng biển địa phương thì chưa thể lý giải. "Rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia đầu ngành", ông Hùng nói.
Ngày 23/3, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp.
Ngày 5/4, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã có chuyến thực tế cồn cát này.
Ông Hoài cho biết vẫn chưa xác định được nguyên nhân hình thành cồn cát. "Sau chuyến khảo sát sẽ tiến hành cắm mốc trong phạm vi 1 km để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến khu vực bãi bồi", ông Hoài nói.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch Quảng Nam cho rằng cồn cát hình thành là vấn đề rất phức tạp về mặt tự nhiên, nhất là khu vực cửa sông Thu Bồn và gần bãi biển Cửa Đại đang bị sạt lở.
"Đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai quan trắc diễn biến hình thái của cồn cát mới xuất hiện để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái biển Cửa Đại", ông Thanh nói.
Theo đánh giá quan trắc của các nhà khoa học thì 5 năm qua, mỗi năm biển Cửa Đại mất khoảng 350 nghìn mét khối cát. Dọc bãi biển này bị nước biển xâm thực gây sạt lở nhiều khu nghỉ dưỡng. Tỉnh Quảng Nam có nhiều phương án ngăn chặn nhưng không hiệu quả.