"Vấn đề quan trọng nhất là nói chuyện với Nga và Iran để đảm bảo họ không tham gia cuộc chiến về mặt quân sự. Chúng tôi đã có các cuộc gặp và họ đã hiểu", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết hôm 13/12.
Ông nhận định kể cả khi Nga và Iran, hai đồng minh quan trọng của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi nội chiến ở nước này bùng phát vào năm 2011, can thiệp bằng quân sự thì lực lượng nổi dậy vẫn có thể giành chiến thắng, nhưng cuộc chiến sẽ trở nên dữ dội hơn nhiều.
"Nếu ông Assad nhận được hỗ trợ, phe đối lập vẫn sẽ thắng với quyết tâm của mình, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và có thể sẽ có nhiều máu đổ", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Mục tiêu của Ankara là tập trung đối thoại với Moskva và Tehran để "giảm thiệt hại về sinh mạng đến mức tối thiểu", ông Fidan nói thêm.
Nga và Iran chưa bình luận về thông tin.
Sau khi liên minh chống chính phủ do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu phát động chiến dịch vào ngày 27/11, Nga và Iran ban đầu đề nghị hỗ trợ ông Assad về mặt quân sự để cản đà tiến của phe đối lập. Không quân Nga cũng đã tiến hành một số cuộc không kích nhắm vào mục tiêu quân nổi dậy.
Tuy nhiên, sự sụp đổ nhanh chóng của quân chính phủ Syria ở các thành trì liên tiếp cũng như ở Damascus đã khiến Moskva và Tehran bất ngờ.
Ngoài ra, diễn biến mới ở Syria xuất hiện trong lúc hai nước đang phải đối mặt với vấn đề riêng của mình. Nga hiện tập trung vào xung đột tại Ukraine, trong khi các lực lượng ủy nhiệm của Iran, trong đó có nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon, đang hứng chịu tổn thất nặng nề do chiến dịch của Israel.
Moskva và Tehran nhanh chóng nhận ra mọi chuyện đã kết thúc và ông Assad "không còn là người đáng để đầu tư nữa", Ngoại trưởng Fidan cho hay.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ủng hộ với lực lượng chống chính phủ, trong đó các chuyên gia cho rằng Ankara thậm chí đã "bật đèn xanh" cho chiến dịch của liên minh do HTS dẫn đầu, dù không tham gia trực tiếp.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, đã bày tỏ lo ngại về HTS do nhóm có gốc gác là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, đồng thời bị nhiều quốc gia phương Tây coi là tổ chức khủng bố. Ngoại trưởng Fidan cho rằng những lo ngại như vậy về HTS là "hoàn toàn bình thường" và cần phải được giải quyết.
"Không ai biết họ rõ như Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi muốn một Syria không có khủng bố và không phải là mối đe dọa với các nước trong khu vực", ông cho hay.
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã có ảnh hưởng đáng kể ở khu vực tây bắc Syria và duy trì quan hệ hợp tác với HTS, lực lượng kiểm soát phần lớn tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe chống chính phủ khi đó. Thông qua các kênh liên lạc với HTS, Thổ Nhĩ Kỳ đã truyền đạt lại cho nhóm vũ trang về mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi đã phản ánh mối lo ngại của bạn bè với họ và đảm bảo họ sẽ có bước đi thích hợp. Nhóm đã đưa ra nhiều tuyên bố và có thể thấy họ đang đi đúng hướng", ông Fidan nói.
Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, thông điệp Ankara đang gửi tới chính quyền mới ở Damascus là: "Đây là những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã sát cánh bên các bạn trong nhiều năm, và thế giới chờ đợi".
Liên minh do HTS dẫn đầu ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus và buộc Tổng thống Assad phải rời khỏi đất nước, chưa đầy hai tuần sau khi phát động chiến dịch lật đổ chính phủ.
Ahmed Hussein al-Shara, thủ lĩnh HTS, sau đó tuyên bố Syria sẽ không còn chiến tranh và bước vào tái thiết, khẳng định phương Tây không cần lo sợ về tình hình nước này.
Thủ lĩnh HTS nhiều năm qua cũng đã tìm cách cắt đứt các mối liên hệ cũ với al-Qaeda. Ông tuyên bố đã rũ bỏ quá khứ là phần tử cực đoan và hiện theo đuổi chủ nghĩa đa nguyên, khoan dung.
Phạm Giang (Theo AFP)