Hình ảnh quen thuộc của Renard bên đường biên nhiều năm qua là một người đàn ông ngoài 50 tráng kiện trong chiếc quần âu và sơ-mi trắng.
Phong thái lịch lãm này thực chất là một sự... mê tín của Renard. Khi đá giải vô địch châu Phi (AFCON) 2010, Zambia gặp Cameroon và thua 2-3. Trận đó, ông mặc một chiếc áo xanh nhạt. Sang trận sau, Renard mặc áo trắng, và Zambia chiến thắng rồi leo lên nhất bảng, vượt qua chính Cameroon. "Từ khi mặc áo trắng, đương nhiên tôi cũng thua trận. Nhưng tôi thắng rất nhiều và thích phong cách này", Renard nói. "Tất nhiên, để mặc như vậy, thời tiết phải đẹp. Như ở Anh, mặc áo sơ-mi vào tháng 12 là không tưởng. Hoặc có khi vì thế mà tôi không thành công ở Anh chăng?".
Câu trả lời hài hước của Renard nhắc về thời ông mới khởi nghiệp tại Anh, nhưng không phải Ngoại hạng Anh. Đội bóng ông dẫn dắt khi đó là Cambridge United thuộc hạng Năm. Đây là trải nghiệm không thành công, Renard bị sa thải chỉ sau một thời gian. Nhưng ông vẫn để lại ký ức sâu đậm với các cầu thủ về sự chuyên nghiệp và nhất là giáo án tập luyện nặng nề.
Cựu cầu thủ John Ruddy kể lại trên tờ Guardian: "Một trong những ký ức đáng nhớ nhất về Herve là ông ấy không chỉ đòi hỏi cống hiến trên sân, mà cả trong phòng tập. Giai đoạn tập huấn trước mùa giải cùng ông ấy vẫn là kỳ tập luyện nặng nhất mà tôi từng trải qua. Herve từng bắt chúng tôi tập plank hai phút liền và khiến tôi rung người như một chú chó. Trong khi đó, ông ấy chỉ cười và hô: ‘Cố lên nào John!’. Herve vẫn thường tập luyện cùng chúng tôi và giữ cơ thể ở trạng thái tuyệt hảo. Có vẻ đến bây giờ, ông ấy vẫn giữ nguyên phong độ ngày nào".
Sau khi rời Cambridge, HLV người Pháp lang bạt sang Đông Nam Á, và trở thành tân thuyền trưởng Nam Định. Nhưng ông cũng không trụ lại lâu và rời đội bóng chỉ sau ba tháng nắm quyền, ngay trước khi V-League 2004 khởi tranh. Theo lời kể của người trong cuộc, Renard để lại ấn tượng về sự thân thiện, chuyên nghiệp nhưng không được lòng nhiều cầu thủ của đội bóng thành Nam vì cá tính mạnh mẽ.
Nhìn lại từ đầu sự nghiệp, HLV sinh năm 1968 không có duyên làm ở cấp CLB. Sau Cambridge United rồi Nam Định, ông còn huấn luyện AS Cherbourg (giai đoạn 2005-2007), USM Alger (2011), Sochaux (2013-2014) và Lille (2015). Trong số này, Sochaux xuống hạng, còn Lille cũng sớm chia tay Renard khi chỉ kiếm được 13 điểm trong 13 vòng đầu tiên.
Ngược lại, khi làm ở cấp ĐTQG, Renard như có bàn tay vua Midas và biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng. Ông bắt đầu làm trợ lý cho Claude Le Roy tại Ghana, trước khi tự mình dẫn dắt Zambia lần đầu lọt vào tứ kết AFCON 2010 sau 14 năm. Hai năm sau, chú ngựa ô Zambia lần lượt đánh bại Senegal, Ghana trước khi khuất phục Bờ Biển Ngà của Didier Drogba để tạo nên bất ngờ bậc nhất lịch sử AFCON.
Sau khi vô địch, Zambia của Renard không thể vượt qua vòng bảng tại giải đấu kế tiếp. HLV người Pháp nhận hết lỗi về bản thân và từ chức. Năm 2014, ông quay lại châu Phi để dẫn dắt Bờ Biển Ngà và lập tức đưa đội tuyển này đăng quang. Đó là một chiến thắng nghẹt thở khi trận đấu phải phân định bằng loạt sút luân lưu, nơi Bờ Biển Ngà đá hỏng hai lượt đầu nhưng vẫn thắng 9-8. Sau giải đó, Renard trở thành HLV đầu tiên vô địch cùng hai đội tuyển khác nhau ở châu Phi.
Sau này, Renard còn góp công đưa Morocco vào vòng chung kết World Cup 2018. Và ở vòn chung kết thế giới đầu tiên sau 20 năm, Morocco đã có màn trình diễn không tệ trong bảng đấu góp mặt hai đại gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Sau khi rời Morocco năm 2019, Renard chuyển sang dẫn dắt Saudi Arabia. Dưới trướng Renard, đội tuyển Tây Á gây ấn tượng mạnh với lối chơi pressing khoa học, và bước vào World Cup 2022 với tư cách đội đầu bảng B vòng loại cuối cùng, xếp trên cả Nhật Bản lẫn Australia.
Trước trận ra quân bảng C tại Qatar 2022, Saudi Arabia được dự báo không có cửa kiếm điểm khi gặp Argentina. Diễn biến hiệp một càng củng cố thêm nhận định này, vì Argentina liên tục dồn ép, mở tỷ số sớm và ba lần khác đưa bóng vào lưới nhưng không được công nhận vì lỗi việt vị. Nhưng rồi, gió đảo chiều hoàn toàn trong hiệp hai khi Saudi Arabia ghi liền hai bàn và chơi lăn xả để bảo toàn tỷ số 2-1.
Dấu ấn của Renard nằm ở cách Saudi Arabia không ngừng gây áp lực mỗi khi các cầu thủ Argentina có bóng và khiến đội bóng Nam Mỹ chỉ cố gắng tìm kiếm cơ hội từ các nỗ lực cá nhân của Di Maria và Lionel Messi, cũng như các quả phạt. Để có nền tảng thể lực tốt đủ để hoạt động với tần suất cao xuyên suốt cả trận, Renard đã tạo nên một cuộc cách mạng về cơ sở vật chấp tập luyện và chế độ dinh dưỡng cho các học trò ngay khi mới lên nắm đội.
Renard cũng cho thấy nghệ thuật tâm lý cầu thủ trong trận thắng này, khi to tiếng mắng mỏ các học trò lúc họ về phòng thay đồ nghỉ giải lao. "Các cậu đến đây để chụp ảnh với Messi à? Sao không lôi điện thoại ra mà chụp", ông quát. "Messi có bóng ở giữa sân và các cậu đứng ngẩn người ra giơ tay. Phải lao vào kèm, gây sức ép với cậu ta".
Những tiếng quát tháo của HLV như làm bừng tỉnh các cầu thủ Saudi Arabia, giúp họ làm nên hiệp hai xuất thần cùng chiến thắng được ví như địa chấn.
Sau trận, Renard khiêm tốn cho rằng thành công tới một phần nhờ đối thủ thiếu động lực: "Khi đá một giải lớn như World Cup, bạn cần tin tưởng vào bản thân. Trong bóng đá, mọi thứ đều có thể xảy ra. Đôi khi đối thủ không ở trạng thái tâm lý tốt nhất. Không phải ai cũng hiểu điều này và nó từng diễn ra với chính chúng tôi khi đương đầu những đội được đánh giá yếu hơn".
Nhưng chiến thắng của Saudi trước Argentina không đơn thuần là chiến thắng của David trước Goliath. Đó còn là một chiến thắng với riêng Renard - người trải qua những thất bại cay đắng từ khi bắt đầu sự nghiệp nhưng không bao giờ bỏ cuộc, để sau hai thập niên toả sáng trên vũ đài lớn nhất của bóng đá thế giới.
Thịnh Joey