Thị xã An Nhơn được mệnh danh là thủ phủ mai vàng với 1.500 hộ trồng và chăm sóc 145 ha cây mai. Thời gian này những năm trước, người dân chưa bước vào giai đoạn lặt lá mai, nhưng giờ nhiều vườn mai đã nở gần một nửa.
Hơn 40 năm trồng mai, ông Đặng Văn Đi (62 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An) nói chưa bao giờ gặp tình trạng này. Gia đình ông có khoảng 700 chậu bán Tết nhưng trên 300 chậu đã nở.
"Mấy năm trước, cũng có trường hợp sau khi lặt lá xong gặp nắng khiến hoa bung nở nên Tết mới khan hiếm. Bây giờ chưa lặt lá mà hoa đã bung nở rồi", ông Đi nói và cho biết thời tiết năm nay quá bất thường, cứ nắng rồi mưa đan xen, khiến mai bung nở khi chưa lặt lá.
Không riêng ông Đi, nhiều hộ trồng mai ở các thôn Trung Định, Háo Đức, Thanh Liêm rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Ngọc Lan (47 tuổi, ở thôn Trung Định) cho hay, thường tháng 8-9 âm lịch, cây mai chăm sóc tốt, sung quá sẽ nở vài ba bông búp, hiện tượng mai nở nhiều trước tháng chạp rất hiếm. "Gia đình tôi giờ trông chờ vào những cây còn nụ nhỏ, chưa phát triển, hi vọng búp nở đúng Tết", ông Đi nói.
Trong khi đó, chi phí giá nhân công chăm sóc mai đã lên đến 300.000 đồng một ngày, tiền phân bón cũng cao gần gấp đôi so với năm trước. Tình hình kinh tế khó khăn khiến khách đến xem vườn ít hơn mọi năm. Nên người dân lo ngại một năm thất thu.
Thị xã An Nhơn được xem là nơi trồng mai nhiều nhất miền Trung, với sản lượng 1,6 triệu chậu mai mỗi vụ Tết. Nghề trồng mai tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Vài năm gần đây, doanh thu từ mai Tết của thị xã đạt bình quân 80-90 tỷ đồng mỗi năm. Riêng vụ mai xuân 2022, người dân An Nhơn bán mai đạt kỷ lục khi thu hơn 150 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Cư, Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn lý giải, mai nở đúng khi mưa lạnh kéo dài, năm nay mai nở sớm do nắng nóng. Tuy nhiên, ông Cư cho rằng những cây nở sớm là những cây có nụ lớn, số lượng cây mai nụ nhỏ (nụ kim) vẫn còn rất nhiều. Chính quyền đang thống kê số lượng để có giải pháp hỗ trợ người dân.
Phạm Linh