Việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tháng 10/2019 dự báo đến năm 2050, các nguồn năng lượng tái tạo tăng tỷ trọng và chiếm tới 49% sản lượng điện toàn cầu.
Những năm qua, Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng mặt trời. Hàng chục dự án điện mặt trời quy mô lớn vận hành thương mại trước thời điểm 30/6/2019, đến nay đã hoạt động ổn định. Theo số liệu của EVN, trong quý I/2020, đơn vị này huy động điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đạt gần 2,8 tỷ kWh, riêng điện mặt trời hơn 2,3 tỷ kWh, gấp 28 lần so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, quá trình phát triển "thần tốc" này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn tài chính... đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực. Đâu là hướng phát triển điện mặt trời bền vững trong tương lai? Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn thị trường? Đây là những nội dung sẽ được các chuyên gia bàn luận trong Tọa đàm "Chiến lược phát triển điện mặt trời ở Việt Nam", truyền tải trên VnExpress lúc 9h sáng mai (1/7).
Sự kiện có sự góp mặt của ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Ông Quân sẽ đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất điện năng lượng ở Việt Nam, những vấn đề cần giải quyết để phát triển ngành điện mặt trời một cách bền vững.
Trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM, Tiến sĩ Hoàng Giang sẽ lý giải cơn sốt năng lượng điện mặt trời, những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp gặp phải cùng những đề xuất, giải pháp để phát triển lĩnh vực này.
Tham gia vào tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch hội đồng quản trị TTC Energy sẽ bày tỏ góc nhìn của một doanh nghiệp tư nhân, những bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp này gặp phải trong quá trình sản xuất điện mặt trời, từ đất đai, nguồn vốn, mạng lưới điện cho đến nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các dự án... Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp này sau khủng hoảng do dịch Covid-19 cũng sẽ được đề cập trong buổi tọa đàm
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia tại phần bình luận phía dưới.
Hoài Phong
Tọa đàm kinh tế bàn về các kịch bản tương lai của nền kinh tế Việt Nam, "trạng thái bình thường mới" trong và sau đại dịch Covid-19. Đại diện các Bộ Ban ngành, Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế sẽ cùng nhau bàn luận các giải pháp, tìm hướng đi trong tương lai, nhất là các ngành bị nhiều ảnh hưởng như Du lịch, Hàng không, Vận chuyển, Sản xuất, Nông nghiệp...