Phát thải thấp cũng là nội dung trọng tâm tại diễn đàn Mekong Starup lần 1 tổ chức tại Đồng Tháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND Đồng Tháp tổ chức.
Theo báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nông nghiệp chiếm 19% (gần 105 triệu tấn CO2e) tổng phát thải khí nhà kính, đứng thứ hai sau ngành năng lượng (hơn 347 triệu tấn CO2e).
Trồng lúa chiếm 48% lượng khí nhà kính, 70% khí mê-tan trong nông nghiệp. Xét về mật độ phát thải, trung bình sản xuất 0,9 tấn gạo phát thải một tấn CO2e cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, đứng thứ 5 trong nhóm 10 cường quốc xuất khẩu gạo.
Báo cáo cũng chỉ ra, dù phát thải khí nhà kính tăng song tăng trưởng năng suất lúa gạo trung bình của Việt Nam chậm lại. Cụ thể, giai đoạn 1980 – 1990 tăng trưởng đạt 4,5%, hai thập kỷ tiếp theo giảm còn 2,9% và 2,5%, gần nhất 2011-2019 chỉ còn 1%.
Canh tác liên tục, sử dụng giống, phân bón, tưới tiêu quá độ là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác trở nên kém hiệu suất trong khi sản sinh khí CO2e lớn. Riêng về phân bón, số liệu năm 2019 cho thấy trung bình một ha lúa sử dụng hơn 0,4 tấn phân bón, tăng gấp 10 lần so với gần 60 năm trước.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng đã đến lúc Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn. "Càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao", bà nói.
Vị giám đốc này cũng nhận định, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại.
Đồng quan điểm, bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc thực hành phụ trách về nông nghiệp và thực phẩm của Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo của mình chỉ ra con đường Việt Nam hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp.
Theo đó, nên áp dụng kỹ thuật sản xuất tưới ướt khô xen kẽ tức thoát nước gián đoạn trên cánh đồng lúa sẽ giảm lượng nước từ 30-35%. Một biện pháp khác là kỹ thuật một phải năm giảm (phải sử dụng giống được kiểm định, giảm tỷ lệ sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước và thất thoát hậu thu hoạch),...
Phân tích do Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) thực hiện, nếu thực hiện đồng loạt , tối ưu hai biện pháp này trên 1,9 triệu ha lúa, tiềm năng giúp ngành lúa gạo vùng ĐBSCL vào năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính gần 11 triệu tấn CO2e mỗi năm. Ngoài ra, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính so với việc đốt rơm rạ.
Ngoài ra, Ngân hàng thế giới còn chỉ ra rằng có thể giảm 12-23 tấn CO2e bằng việc thúc đẩy Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.
Bà Dina Umali-Deininger cũng chỉ ra những thách thức khi chuyển đổi: Nông dân vẫn còn lệ thuộc vào việc sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp, sử dụng không hiệu quả tài nguyên đất và nước; Tác động của khí hậu, thiếu năng lực kỹ thuật để quản lý rủi ro khí hậu và thời tiết dẫn đến năng suất thấp, thu nhập thấp, không thích ứng với khí hậu và bền vững;
Thiếu cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật, vốn đầu tư cho các loại sản phẩm mới, dẫn đến nông dân không thể áp dụng, thực hành hệ thống sản xuất cải tiến; Thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc, khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm xanh và carbon thấp, do đó khó xuất khẩu, cạnh tranh thấp.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyển sang nền sản xuất lúa gạo carbon thấp, giúp nông sản Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, khi người bán lẻ và tiêu dùng ở các nước nhập khẩu thực phẩm chính, đều yêu cầu tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Bên cạnh thách thức, các chuyên gia đang kỳ vọng việc một triệu nông dân miền Tây áp dụng các biện pháp giảm thải khí nhà kính có thể thu về hàng chục triệu USD mỗi năm thông qua việc bán tín chỉ carbon. Thông tin thêm về vấn đề này tại họp báo Diễn đàn Mekong Starup với chủ đề nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, cho rằng để có được kết quả này về mặt kỹ thuật cần rất nhiều sự chuẩn bị và hành động.
"Đơn cử việc trồng lúa trong mực nước cao khiến gốc rạ ngâm trong nước lâu cũng tạo ra khí nhà kính", bà Thuỷ nói và cho biết bằng những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính nông dân có thể sản xuất ra tín chỉ carbon (thông qua công cụ đo của các tổ chức uy tín) và có quyền đem bán ra tiền cho những nơi thiếu tín chỉ cần phải mua để bù đắp.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, không đơn giản việc để có thể bán tín chỉ carbon vì cần quá trình tuân thủ các biện pháp một cách nghiêm ngặt và chứng minh thông qua một tổ chức quốc tế được thừa nhận.
"Có rất nhiều loại tín chỉ carbon, mỗi loại đòi hỏi kỹ thuật khác nhau để cân đo đong điếm kể cả giá bán cũng rất khác nhau", bà nói và chia sẻ thêm để nông dân được hưởng lợi trong việc giảm phát thải khí nhà kính cần nhiều cuộc trao đổi, thảo luận kể cả tranh luận trên phạm vi rất rộng.
Tại diễn đàn Mekong Starup sẽ chứng kiến việc ký kết giữa các tỉnh miền Tây và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp trong bối cảnh Chính phủ hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 26.
Ngọc Tài