Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), startup trình bày tham luận "Mô hình tôm lúa - thách thức và cơ hội để kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo" tại phiên toàn thể chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp". Sự kiện thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022, ở nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, hồi tuần trước.
Anh Nông Văn Thạch nhận định mô hình tôm lúa là thế mạnh của nhiều tỉnh ĐBSCL, góp phần gắn kết hợp tác xã (HTX), thành viên HTX và người dân trong khu vực. Cách thức sản xuất này hướng đến nâng cao chuỗi giá trị cho cây lúa và hạt gạo, giúp nông dân bám đất giữ kế sinh nhai.
Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL hiện đối mặt nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu và xâm ngập mặn gây xáo trộn chuỗi sản xuất, tác động trực tiếp đến cơ cấu cây trồng và nông sản. Trong đó những loại cây, mô hình chịu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên và phát triển bền vững sẽ là lợi thế.
Lúa, gạo hiện là mặt hàng "cung vượt cầu", thành phẩm cuối cùng thường gặp cảnh được mùa, mất giá. Chi phí đầu vào liên tục tăng như lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công...
Trong khâu liên kết mua bán, thành viên HTX và người dân đa phần chưa quen với hợp đồng kinh tế. Trong khi đó, các công ty thường đặt nhiều tiêu chí nhưng mức giá họ đưa ra không đủ hấp dẫn người sản xuất, dẫn đến khó ký kết.
Anh Nông Văn Thạch nhấn mạnh hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa còn sơ sài, thiếu và yếu, phần nào ảnh hưởng trực tiếp người mua bán lẫn đơn vị có nhu cầu xây dựng nhà máy thu mua, chế biến tại chỗ.
Từ thách thức trên, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình trình bày hai cơ hội cơ bản:
Cơ hội về sản phẩm: đặc tính canh tác mô hình lúa tôm tại HTX: bốn tháng lúa (cuối tháng 8 âm lịch đến cuối tháng 12 âm lịch) và tám tháng tôm (đầu tháng Giêng âm lịch đến cuối tháng 8 âm lịch)
Với đặc tính bốn tháng lúa, một năm nông dân chỉ sản xuất một vụ. Nhờ 8 tháng chuyển sang nuôi tôm, đất có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, hình thành phù sa và dinh dưỡng lớn trên mặt ruộng, từ đó góp phần giảm 50% lượng phân bón so với vùng đất canh tác chuyên lúa.
Nhờ cắt vụ để nuôi tôm, sâu, bệnh trên lúa cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, bà con thường kỹ lưỡng chọn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để không gây hại cho tôm, cá. Yếu tố này góp phần tạo vùng sản xuất lúa gạo sạch, thuần tự nhiên, định hình tập tính canh tác của nông dân.
Bảo vệ sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay, do đó những sản phẩm trong mô hình tôm - lúa được quan tâm nhiều.
Thành viên HTX sẽ trực tiếp sản xuất, quản lý chất lượng và tự xây dựng thương hiệu cho mình. Trong thời đại công nghệ số lên ngôi, việc ra mắt thương hiệu, quảng bá cũng dễ dàng hơn.
"Mô hình tôm lúa được giới chuyên môn đánh giá thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và ít tác động môi trường", anh Nông Văn Thạch cho hay.
Cơ hội về cơ chế chính sách: Đảng và nhà nước luôn ủng hộ thành lập, hỗ trợ HTX. Nghị Quyết số 20-NQ/TW với nội dung tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trở thành động lực giúp HTX quy tụ người dân cùng sản xuất tập chung.
Hiện mô hình tôm lúa giúp HTX sản xuất ổn định, giảm rủi ro, nâng cao đời sống thành viên. Đa phần HTX ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo tôm - lúa theo hướng an toàn, tiến đến hữu cơ.
Kết thúc bài phát biểu, anh Thạch để xuất bốn yếu tố gia tăng vai trò của SME, startup. Thứ nhất, doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ chính sách, vốn, tăng cường công tác khuyến khích người dân tham gia HTX. Thứ hai, cần có thêm nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về giảm phát thải, quản trị, mua bán. Tiếp đến, HTX kiến nghị nhà nước ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và vận chuyển. Cuối cùng, các địa phương, doanh nghiệp cần tổ chức mạng lưới liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa tôm.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông - báo VnExpress. Mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Vạn Phát