VnExpress

Thứ hai, 31/1/2022, 03:03 (GMT+7)

Tết ở làng cổ Đường Lâm

Hà NộiKhông khí Tết truyền thống tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây được tái hiện qua bộ ảnh của nhiếp ảnh trẻ Cao Tùng.

Niềm vui của ông Hiền và bà Năm mang cành đào về chưng Tết. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Hương vị Tết làng cổ Đường Lâm” do nhiếp ảnh trẻ Cao Tùng (hay còn gọi Tùng Cao, sinh năm 1990), cũng là một hướng dẫn viên du lịch tự do, thực hiện.

Chơi đào từ lâu đã ăn sâu vào nếp sống của người miền Bắc, chỉ cần vài cành đào nhỏ, ưng mắt là đủ để người dân chào đón xuân về. Sắc thắm của đào được cho là mang lại may mắn và hạnh phúc cho cả gia đình trong năm.

Gia đình quây quần rửa lá dong bên giếng cổ. Đường Lâm, nằm cách Hà Nội khoảng 45 km, là điểm dừng chân cho du khách muốn tìm về những dấu ấn xưa cũ, nét đặc trưng của làng quê xưa với cây đa, giếng nước, sân đình.

Sau công đoạn vo gạo, rửa lá dong, đãi đỗ là đến lúc gói bánh. Bức ảnh được thực hiện tại nhà cổ của bà Lan, thôn Mông Phụ, một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Đường Lâm. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong, cột gỗ lim và gỗ mít.

“Đến Đường Lâm với không gian cổ kính và đầy chất thơ, tôi cảm nhận mùi Tết tuổi thơ chợt ùa về, lúc sum vầy bên ông bà, bố mẹ và ngồi gói bánh chưng bên bếp lửa hồng, những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt”, Tùng Cao chia sẻ.

Mùa xuân ngập tràn với màu đỏ của quả gấc, màu xanh của bánh chưng và sắc vàng, tím của hoa cúc tại nhà cổ ông Vững. Nhà cổ này được phục dựng, lưu giữ văn hóa làng cổ, cũng là điểm homestay nổi tiếng, được nhiều du khách ghé thăm.

Mùi khói bếp luộc bánh chưng lan tỏa trong tiết xuân. Bên nồi bánh, mùa xuân dường như đã về trong từng nếp nhà cổ.

Ông Hiền thư giãn đọc sách khi việc luộc bánh đã xong. Bà Năm nhuộm răng, nhai trầu. Phong tục nhuộm răng đen có từ xưa, nhưng ngày càng ít người giữ được truyền thống này. Với sự phát triển không ngừng của đô thị hóa, làng Việt cổ khó tránh khỏi những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại dẫn đến những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày.

Hai ông bà trò chuyện, uống trà trong không khí Tết. “Là một người làm du lịch, tôi mong Đường Lâm nói riêng và các làng quê Việt nói chung vẫn giữ được bản sắc văn hóa Tết truyền thống như vậy”, Tùng Cao bộc bạch.

Xuân về trước ngõ với hình ảnh hai ông bà đi biếu Tết tại cổng làng Mông Phụ. Làng cổ Đường Lâm có 50 di tích giá trị, lưu giữ gần 100 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Du khách có thể đến làng cổ Đường Lâm bất cứ thời điểm nào trong năm vẫn cảm nhận sự yên bình. Tuy nhiên, mùa lễ hội tháng Giêng hoặc mùa lúa chín là thời điểm đẹp hơn cả.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net