ISRO hôm 20/8 cho biết, quá trình hạ cánh sẽ được phát sóng trực tiếp trên website chính thức của tổ chức, kênh truyền hình quốc gia của Ấn Độ Doordarshan và nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube.
"Công cuộc khám phá không gian của Ấn Độ đạt được cột mốc đáng chú ý với nhiệm vụ Chandrayaan-3 sắp tới, sẵn sàng hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt Trăng. Thành tựu này sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Công nghiệp của Ấn Độ, tượng trưng cho sự tiến bộ của đất nước trong lĩnh vực khám phá không gian", ISRO chia sẻ.
Tên lửa LVM3 đưa trạm đổ bộ Vikram của nhiệm vụ Chandrayaan-3 bay lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan lúc 16h05 ngày 14/7 (giờ Hà Nội). Trạm đổ bộ tăng dần độ cao, sau đó khai hỏa động cơ vào ngày 31/7 để hướng tới Mặt Trăng. Nó đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng hôm 5/8.
Vikram mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.
Vikram đổ bộ đã tới gần Mặt Trăng hơn hôm 20/8, sau khi hoàn thành thao tác de-boosting (giảm tốc để điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo) cuối cùng. Với thao tác này, trạm đổ bộ đã tới quỹ đạo mà điểm gần Mặt Trăng nhất là 25 km và xa nhất là 134 km. ISRO cho biết, nó sẽ trải qua quá trình tự kiểm tra và chờ Mặt Trời mọc tại địa điểm hạ cánh chỉ định.
Trạm đổ bộ nhắm đến điểm hạ cánh có tọa độ 69,37 độ vĩ nam 32,35 độ kinh đông, gần cực nam Mặt Trăng, nơi có thể tồn tại băng nước hữu ích cho việc chế tạo nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống. Một nhiệm vụ khác nhắm tới khu vực gần cực nam là Luna-25 của Nga. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã thất bại khi tàu Luna 25 xoay tròn mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt Mặt Trăng, không thể hạ cánh ngày 21/8 như kế hoạch.
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng. Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Thu Thảo (Theo CGTN, NDTV)