Biên bản được ký kết ngày 18/9 (sáng 19/9 giờ Hà Nội) với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam công du tại Mỹ.
Trong khuôn khổ hợp tác, Synopsys hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Cục đang chủ trì tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Trong đó, công nghệ tiên tiến của Synopsys dự kiến được đưa vào nguyên mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa các thiết kế SoC phần mềm và phần cứng.
Sự hợp tác nhằm mục đích xây dựng dự thảo chiến lược để thành lập trung tâm chế tạo và mô phỏng R&D cao cấp, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp về thiết kế vi mạch tiên tiến và hỗ trợ năng lực sản xuất chế tạo R&D tại Việt Nam.
Synopsys chuyên về các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm hàng đầu trong ngành. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách, sự hợp tác với Synopsys có thể giúp Việt Nam hưởng lợi từ công nghệ thiết kế đẳng cấp thế giới của công ty bằng cách đào tạo các nhà thiết kế chip tương lai của Việt Nam theo những xu hướng mới nhất của ngành.
Tiến sĩ Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á, nói rất vui được hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển kế hoạch chiến lược nhằm thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn với những công nghệ tiên tiến từ Synopsys.
Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam tăng cường lực lượng nhân lực thiết kế vi mạch và năng lực chế tạo R&D thông qua hợp tác với chính phủ. "Sự phát triển thành công của ngành bán dẫn đòi hỏi phải có tinh thần đồng đội. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông để giúp tổ chức này nâng cao vai trò lãnh đạo trong khu vực", ông Li nói.
Synopsys cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đề phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam. Trong đó, Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng đề tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Hợp tác này giúp đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khời nghiệp thiết kế chip tại Việt Nam.
Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip. NIC sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo, dự kiến hoạt động trong tương lai gần.
"Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Trao đổi với lãnh đạo của Synopsys, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc đến thăm công ty lần này nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện mới thiết lập cách đây một tuần.
"Chúng tôi mong muốn công ty mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Với không khí chính trị đang rất tốt đẹp giữa hai nước, việc này là đòi hỏi khách quan", Thủ tướng nói, khẳng định việc cùng nhau hợp tác, cùng nhau chiến thắng, cùng nhau có lợi với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Synopsys, thành lập năm 1986, có lịch sử lâu dài là công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp các công cụ và dịch vụ kiểm tra bảo mật ứng dụng trong ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến San Francisco chiều 17/9, bắt đầu chuyến công tác tại Mỹ kéo dài đến 23/9. Trong 6 ngày ở Mỹ, Thủ tướng qua ba thành phố San Francisco, Washington và New York để dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương. Sau khi kết thúc hoạt động tại San Francisco, lãnh đạo Chính phủ bắt đầu lên chuyên cơ đến Washington.