Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do tăng đường huyết (glucose trong máu) trong thời gian dài, dẫn đến rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Đây là bệnh mãn tính không chữa khỏi, trừ một số trường hợp như đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường do dùng thuốc... Mục tiêu trong điều trị đái tháo đường là phòng ngừa các biến chứng và điều trị các biến chứng. Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng các chỉ số, trong đó giữ chỉ số đường huyết ở mức an toàn là rất quan trọng.
Trong cuộc sống hàng ngày của người đái tháo đường, rất nhiều hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số đường huyết, từ món ăn, thức uống đến mức độ vận động... Hạ đường huyết xuống mức nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh, thậm chí người bệnh có thể co giật, hôn mê, tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tăng đường huyết trong thời gian dài dễ gây các biến chứng lên tim mạch, thần kinh, thận, mắt... Trong một số trường hợp, tăng chỉ số đường huyết cấp tính cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Đánh giá tầm quan trọng của việc theo dõi đường huyết liên tục, tháng 6 vừa qua, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã giới thiệu hướng dẫn quy trình về theo dõi đường huyết liên tục đến các nhân viên y tế. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, theo dõi đường huyết liên tục không chỉ là yêu cầu quan trọng đối với người bệnh mà còn cả với các nhân viên y tế tham gia quản lý, điều trị bệnh nhân đái tháo đường ở bệnh viện và tại cộng đồng.
Phát biểu tại hội thảo khoa học "Hướng dẫn triển khai theo dõi glucose máu liên tục cho người bệnh đái tháo đường" hôm 27/6 tại Hà Nội, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết: "Nhìn tổng thể, vận dụng công nghệ theo dõi đường huyết liên tục không chỉ giúp quản lý đái tháo đường hiệu quả hơn mà còn làm giảm gánh nặng chi phí cho người dân và cả hệ thống y tế". GS.TS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh, kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp bệnh nhân phòng tránh được các biến chứng của bệnh.
Theo hướng dẫn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hệ thống theo dõi đường huyết liên tục sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong dịch mô kẽ trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó thể hiện mức đường huyết ước tính liên tục theo thời gian.
Với công nghệ này, người bệnh có thể tự theo dõi chỉ số đường huyết tại nhà hoặc bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến cơ sở y tế, cũng không bị đau đớn do phải chích máu đầu ngón tay. Bên cạnh cung cấp chỉ số đường huyết tại một thời điểm nhất định, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục có thể dự đoán xu hướng của đường huyết (sẽ tăng hay hạ để người bệnh kịp thời điều chỉnh lối sống), lưu trữ lại thông tin đường huyết trong một khoảng thời gian nhất định.
Các chuyên gia đánh giá, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng đường huyết, giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả điều trị. Đồng thời, công nghệ này giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng đường huyết của bản thân, thay đổi lối sống, từ đó quản lý tình trạng đái tháo đường tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công nghệ theo dõi đường huyết liên tục xuất hiện trên thế giới từ đầu những năm 2000 và có mặt tại Việt Nam vài năm gần đây. Với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và nhu cầu ngày càng cao trong quản lý bệnh đái tháo đường, các nền tảng quản lý đường huyết đã và đang phát triển trên toàn cầu. Đơn cử hệ thống quản lý đường huyết thông minh Glooko, Tidepool đã hỗ trợ hiệu quả cả bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Với mong muốn có một nền tảng quản lý bệnh đái tháo đường dành riêng cho người Việt, sử dụng tiếng Việt, tháng 11 vừa qua, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT đã hợp tác với Tập đoàn Y khoa Yuwell ra mắt máy đo đường huyết liên tục 3P. Sử dụng 3P, bệnh nhân không cần thao tác quét máy đọc chỉ số hay lấy máu đầu ngón tay, các thông tin về đường huyết được cập nhật 3 phút một lần. Khi chỉ số đường huyết của bệnh nhân tăng giảm bất thường, điện thoại của bệnh nhân và cả người thân, người chăm sóc đều có thể nhận được thông báo, chỉ cần người dùng mở Wi-Fi và ứng dụng FPT Medicare trên điện thoại. Sự kết hợp của ngành y tế và công nghệ thông tin đã giúp giải quyết được tình trạng bệnh nhân vì những bận rộn trong cuộc sống mà bỏ qua các lần kiểm tra đường huyết, từ đó bỏ lỡ những thay đổi quan trọng của đường huyết khiến tăng nguy cơ biến chứng. Với 3P, người bệnh có thể "sống chung hòa thuận" với bệnh - một trong những mục tiêu khi điều trị đái tháo đường mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh.
Với khả năng cập nhật dữ liệu theo thời gian thực và biểu đồ trực quan, máy 3P giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng nắm bắt tình trạng đường huyết suốt cả ngày. Bên cạnh đó, tính năng "Replay" trên 3P có thể tái hiện toàn bộ biến động đường huyết trong ngày. Ứng dụng theo dõi đường huyết liên tục FPT Medicare còn hỗ trợ ghi lại tác động từ chế độ ăn, tập luyện và thuốc trong vòng 14 ngày. Thiết bị được đánh giá giúp bệnh nhân hiểu hơn về sức khỏe bản thân để điều chỉnh lối sống cho kịp thời, giúp các bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nhờ tính năng thông minh và không gây đau, máy đo đường huyết 3P không chỉ hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. "3P là lựa chọn phù hợp cho cả những bệnh nhân mới mắc bệnh, những người đã biến chứng, những người cần theo dõi đường huyết thường xuyên và các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ", đại diện FPT chia sẻ.
Kim Anh