Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 cùng với hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: tham gia sáng kiến giảm phát thải khí methane toàn cầu (giảm 30% vào năm 2030); thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".
Ở Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm cùng năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Mới đây, lãnh đạo ban ngành cũng công bố quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành. Nơi đây được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Một trong những điểm nhấn là thay đổi tư duy về an ninh lương thực, từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phù hợp với thị trường. Trong đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng chia sẻ những mục tiêu trên của Chính phủ, nhất là ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp vùng, Mekong Startup lần I năm 2022 (trong hai ngày 19-20/12, tại Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp), với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp".
Diễn đàn có vai trò, sứ mệnh lớn, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại ĐBSCL về bài toán chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, xanh hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Sự kiện còn tạo lập các chương trình nghị sự gắn với chuỗi ngành hàng trọng điểm (lúa gạo, trái cây, thủy hải sản), qua đó giúp các bên chia sẻ, có chung nhận định về bối cảnh, thách thức, cơ hội cũng như xác lập một số giải pháp bước đầu, hành động ưu tiên nhằm nhanh chóng đưa các cam kết vào thực tiễn.
Mekong Startup cũng được kỳ vọng thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và dẫn dắt, hợp lực lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo ra diện mạo mới cho hệ thống chương trình, sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL, theo hướng xanh hóa và bền vững.
Chương trình nhận được sự ủng hộ, phối hợp trực tiếp của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông - báo VnExpress.
Sự kiện gồm các hoạt động chính sau:
Ban tổ chức sẽ biến sảnh trước Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp thành không gian triển lãm, bố trí hàng trăm gian hàng (booth) với chức năng riêng, tạo điều kiện để doanh nghiệp ĐBSCL, nhà tài trợ giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ 13h30 đến 16h30 ngày 19/12, talkshow "Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững" với sự góp mặt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, các nhà đầu tư, đại diện quỹ khởi nghiệp cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
Ngay sau talkshow là gala giới thiệu các công nghệ ứng dụng trong ngành lúa gạo, thủy hải sản, trái cây.
8h-11h ngày 20/12, ba phiên nghị sự theo chuyên đề hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp lần lượt diễn ra gồm: chuyển đổi chuỗi lúa gạo ĐBSCL/ thủy hải sản/ trái cây.
13h30-17h15 cùng ngày, phiên toàn thể "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, thảo luận vấn đề cơ hội và thách thức xoay quanh các chuỗi ngành hàng trọng điểm và toàn ngành nông nghiệp ĐBSCL. Đây cũng cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các mục tiêu về nông nghiệp hiện đại, bền vững, phát thải thấp.
Khép lại chương trình là lễ ký kết giữa các tỉnh miền Tây và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, giữa bối cảnh Chính phủ hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 26.
Vạn Phát