VNExpress

Tại sao Việt Nam không thể ghi bàn trước Indonesia?

Trong thế trận không phải sở trường ở lượt áp chót bảng B AFF Cup 2020 tối 15/12, đội bóng của HLV Park Hang-seo cho thấy vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.

Thế trận không quen thuộc

Trái với định hướng nhập cuộc ở cường độ cao và gây áp lực ngay trên sân đối phương như trận đấu Malaysia (thắng 3-0), Việt Nam chủ động kéo đội hình về khu vực một phần ba giữa sân khi Indonesia triển khai bóng. Nếu như cả ba bàn ở trận trước được ghi chỉ sau 10 giây kể từ lúc đoạt lại bóng, thứ vũ khí ấy đã không được lựa chọn ở trận gặp Indonesia. Cường độ gây áp lực của đội bóng áo đỏ trên phạm vi một phần ba cuối sân đã không được thể hiện rõ ràng.

Định hướng khi không có bóng của Việt Nam hôm qua khác với trận đấu Malaysia.

Tuy vậy, cách đối thủ nhập cuộc mới chính là điều tạo ra kịch bản trận đấu cho đội bóng của HLV Park. Indonesia thậm chí quyết định sử dụng sơ đồ 5-4-1 thay vì 4-5-1, chủ động lùi đội hình về phần sân nhà và tỏ rõ ý đồ nhường quyền kiểm soát bóng cho Việt Nam. Kể cả khi có bóng, họ cũng không mặn mà dâng lên.

Indonesia chủ động lùi sâu đội hình, phòng ngự với hệ thống 5-4-1.

Đó có thể xem là một thế trận không mấy quen thuộc với Việt Nam. Việc đối thủ lùi sâu khiến những đường tấn công nhanh, tốc độ thường thấy không còn được phát huy. Thay vào đó, Quang Hải và các đồng đội phải tìm phương án tiếp cận cấm địa đối thủ ở tốc độ chậm hơn, trước một hệ thống phòng ngự quyết liệt của Indonesia.

Khác với hình ảnh ở trận gặp Lào, khi các tiền vệ trung tâm của Việt Nam tương đối thoải mái điều tiết nhịp độ, đẳng cấp về mặt chiến thuật và cá nhân của Indonesia tạo nên một hình thái đầy quyết liệt ở khu vực trung lộ. Sự tự do và cơ động trong cách di chuyển của Quang Hải vẫn giúp anh tìm thấy Công Phượng, nhưng khi đối thủ chơi với ba trung vệ thì không dễ để cặp đôi này phối hợp một cách trực diện như những gì họ đã làm trước Malaysia.

Indonesia chơi quyết liệt ở khu vực trung lộ với sự gia tăng thêm một trung vệ.

Trước sơ đồ 5-4-1 của Indonesia, Việt Nam buộc phải tìm ra các phương án tiếp cận vòng cấm địa từ hai hành lang cánh.

Với tốc độ tấn công chậm, những tình huống triển khai của Việt Nam trở nên dễ đoán và bị áp đảo về quân số. Văn Đức và Hồng Duy bên cánh trái cũng như Quang Hải và Văn Thanh bên cánh phải thiếu sự hỗ trợ từ các đồng đội. Người cơ động nhất trong các pha di chuyển là Công Phượng, điểm nhận bóng Việt Nam cần có trong vòng cấm địa.

Hình ảnh quen thuộc khi Việt Nam tổ chức tấn công biên là việc hai cầu thủ chơi cùng cánh ít nhận được sự hỗ trợ.

Việt Nam chỉ thực sự tỏ ra hiệu quả trong những tình huống bóng có sự dâng cao của một trong hai tiền vệ trung tâm là Hoàng Đức và Tuấn Anh. Khi ấy, những pha di chuyển lôi kéo, hoặc đập nhả với người thứ ba được tạo ra một cách tương đối nhịp nhàng. Màn trình diễn ấn tượng của Tuấn Anh trước Malaysia dường như giúp anh có thêm sự tự tin trong những pha bóng dâng cao.

Các cơ hội rõ rệt của Việt Nam chỉ đến khi một trong hai tiền vệ trung tâm dâng cao hỗ trợ - điều không xảy ra một cách ổn định.
Các cơ hội rõ rệt của Việt Nam chỉ đến khi một trong hai tiền vệ trung tâm dâng cao hỗ trợ - điều không xảy ra một cách ổn định.

Những cơ hội đã được tạo ra cho Việt Nam, nhưng cần thừa nhận Tuấn Anh và Hoàng Đức không thể duy trì khả năng hỗ trợ tấn công một cách liên tục, điều khiến Việt Nam cũng không thể uy hiếp khung thành đối phương ở một tần suất cao, cũng như tạo ra các cơ hội thực sự chất lượng. Đó có thể xem là một phần nguyên nhân cho sự bế tắc của hàng công.

Sự thiếu chủ động từ Văn Thanh – Hồng Duy

Trong một thế trận buộc phải tạo ra những cơ hội tấn công từ hai hành lang cánh, đội bóng của HLV Park Hang-seo thêm một lần nữa cho thấy sự thiếu rõ ràng ở các ý tưởng tấn công của hai cầu thủ chạy cánh.

Hồng Duy và Văn Thanh đều để lại dấu ấn trong hai trận đấu trước đó. Cả hai đều có khả năng hỗ trợ tấn công tốt. Nhưng, cách di chuyển thiếu nhất quán khiến vai trò của họ không rõ ràng khi Việt Nam tiếp cận khu vực một phần ba cuối sân.

Hai cầu thủ chạy biên Văn Thanh và Hồng Duy không chơi quá cao khi các đồng đội kiểm soát bóng.

Cụ thể trong trận đấu Indonesia, cả Hồng Duy lẫn Văn Thanh đều có những tình huống ra quyết định không thực sự hợp lý khi các đồng đội cần sự hỗ trợ ở dọc đường biên. Vị trí xuất phát đều không đủ cao để tạo ra sự sẵn sàng trước đối thủ. Trong khi đó, ý thức hỗ trợ tấn công ở phạm vi một phần ba sân cuối cùng cũng bị hạn chế nhiều, khi cặp đôi này thường có những lựa chọn vị trí an toàn, điều khiến họ không xuất hiện một cách thường trực ở phạm vi nguy hiểm.

Văn Thanh không dâng cao đúng thời điểm, khi Quang Hải đã nhận bóng
Khi Văn Thanh đã thực hiện quả tạt, Hồng Duy cũng không có mặt ở biên đối diện.
Không có lựa chọn chuyền bóng nào khác, Quang Hải quyết định dứt điểm từ xa.

Vấn đề của Văn Thanh và Hồng Duy là không mới, nhiều lần ở các trận đấu trước đó, họ đều lựa chọn các phương án xử lý bóng, cũng như chọn vị trí tương đối an toàn, cùng việc không xuất hiện ở khu vực nguy hiểm ở một tần suất liên tục. Dù liên tục tấn công ở hai hành lang cánh, nhưng một thống kê đáng buồn với Việt Nam là tỉ lệ chính xác của các quả tạt chỉ là 19%, con số thấp thứ tám giải đấu, và chỉ bằng một nửa so với những gì Thái Lan thực hiện thành công ở bảng A.

Vì thế, đội bóng áo đỏ chưa phát huy hoàn toàn sức mạnh trong các pha tấn công biên.

Không đủ nhân sự trong vòng cấm địa

Một thống kê không mấy ấn tượng khác cũng đến sau cuộc đối đầu với Indonesia, khi có tới ha phần ba tổng số pha dứt điểm của Việt Nam được thực hiện bên ngoài vòng cấm địa. Đội bóng của HLV Park rõ ràng không đưa bóng vào khu vực cấm địa đối phương ở một tần suất đủ lớn. Hay ở một góc nhìn khác, Việt Nam không có đủ nhân sự trong khu vực 16m50 của đối thủ.

Xét trong cả trận đấu, đã có 27 lần các cầu thủ Việt Nam thực hiện một nỗ lực đưa bóng vào khu vực 16m50. Nếu quan sát một cách kĩ lưỡng tất cả 27 đường chuyền ấy, có tới hai phần ba số tình huống trong vòng cấm địa của Indonesia có ít hơn ba cái bóng áo đỏ xuất hiện. Nếu xét trong thế trận phòng ngự - phản công, con số đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi Việt Nam gần như chơi bóng ở phạm vi nửa sân đối phương, và trước hệ thống phòng ngự 5-4-1, thì đó hẳn là một con số không mấy ấn tượng.

Số lượng cầu thủ của Việt Nam trong vòng cấm từ các đường chuyền hướng đến đây.

Trung bình ở mỗi ý định chuyền bóng vào khu vực cấm địa đối phương, Việt Nam chỉ có hai cầu thủ ở phạm vi này. Khó lòng có thể chờ đợi số lượng các cơ hội nguy hiểm hơn trong phạm vi nguy hiểm, nếu không duy trì nhân sự đủ nhiều. Trong một ngày không xuất thần, những cú đá từ ngoài vòng cấm của Quang Hải, Hoàng Đức hay những cá nhân khác không những không thể thay đổi thế trận, mà còn là minh chứng cho sự bế tắc và vội vàng.

Nếu nhìn lại hai bàn thắng của Quang Hải trước Malaysia và Văn Đức trước Lào, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc xâm nhập vòng cấm với một số lượng nhân sự cần thiết để chiếm lĩnh các khu vực đủ tạo ra nguy hiểm. Bàn thắng của Văn Đức đến khi anh tập trung chiếm lĩnh cột xa, trong khi cú đá của Quang Hải đến từ pha bóng ở tuyến hai, khi các tiền đạo đã thu hút sự tập trung của đối phương.

Bàn thắng của Văn Đức vào lưới Lào
Bàn thắng của Quang Hải vào lưới Malaysia

Trước Indonesia, khi hai hậu vệ biên không thường trực xâm nhập khu vực đáy biên, hình ảnh thường trực trong khu vực cấm địa thường là sự có mặt của cặp đôi Công Phượng và Văn Đức trước các trung vệ có sức mạnh thể chất và chơi quyết liệt.

Hình ảnh quen thuộc khi Việt Nam thực hiện các đường bóng từ biên.

Mọi thứ chỉ được cải thiện phần nào khi Tiến Linh và sau đó là Đức Chinh có mặt trên sân, những cầu thủ săn bàn thực thụ giúp các đường bóng của Việt Nam có điểm đến tốt hơn. Tuy nhiên, câu chuyện tấn công vòng cấm địa không chỉ ảnh hưởng bởi chất lượng của từng cá nhân, mà còn là số lượng đủ lớn các cầu thủ tham gia xâm nhập, điều Việt Nam chưa thực sự làm tốt.

Cặp đôi Đức Chinh – Tiến Linh phần nào cho thấy sự có mặt thường trực hơn trong khu vực cấm địa.
Cơ hội cho Tiến Linh ở những phút cuối cùng của trận đấu Indonesia.

Một trận đấu cho thấy Việt Nam đủ khả năng để kiểm soát thế trận, áp đặt đối thủ với khả năng hoạt động ấn tượng của các tiền vệ, nhưng cũng là một minh chứng cho sự thiếu hiệu quả trong khả năng biến sự áp đặt ấy trở thành những cơ hội rõ rệt để ghi bàn.

Chỉ để đối thủ thực hiện duy nhất một pha dứt điểm, có 21 lần uy hiếp cầu môn nhưng chỉ một cú đá trúng đích là thống kê tồi mà đội bóng của HLV Park đã tạo ra. Dù duy trì mạch trận giữ sạch lưới, Việt Nam đã không thể tiếp tục tạo ra sự nguy hiểm như những gì đã làm được trước Malaysia.

Khi tấm vé chơi tại bán kết đã nằm trong tầm tay, chiến lược gia người Hàn Quốc cùng các cộng sự sẽ đối mặt với những thử thách mới, khi cả Thái Lan lẫn Singapore ở bảng A đều đang thể hiện một lối chơi tương đối quy củ và hiệu quả.

Thành Vũ