Thông tin được chia sẻ tại hội thảo Tiểu vùng Đông Nam Á về phát triển thành phố thông minh xanh, an toàn sáng 7/12 tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết Việt Nam nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng, nhất là khu vực phía Nam. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng tới đời sống người dân. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng là điều tất yếu, đòi hỏi thúc đẩy bằng khoa học công nghệ.
Ông cho biết, các hướng nghiên cứu tại VKIST hiện hướng tới chuyển đổi xanh, trong đó công nghệ sinh học tìm cách chiết xuất sản phẩm từ cây trồng, xử lý phụ phẩm phế thải. Các nghiên cứu và phát triển công nghệ góp phần xử lý, tái chế, tạo sản phẩm chất lượng cao từ phụ phẩm, tạo nên hệ thống sản xuất tuần hoàn. Các nhóm nghiên cứu mới về công nghệ môi trường ngoài phục vụ đời sống cũng đang hướng tới chuyển đổi xanh. Do đó ông kỳ vọng sự hợp tác với chuyên gia Hàn Quốc sẽ giúp nhanh chóng thành lập trung tâm công nghệ chuyển đổi xanh, phát triển đưa vào ứng dụng công nghệ xanh tại Việt Nam.
Thời gian tới, Thứ trưởng Duy mong muốn các chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ trong việc tìm kiếm, đưa vào ứng dụng các công nghệ chuyển đổi xanh cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Bên cạnh đó ông cũng muốn tìm hiểu các vấn đề về chính sách, cơ chế về chuyển đổi xanh, năng lượng và chuyển đổi số ứng dụng với Việt Nam.
TS Lee Sang Hyup, Chủ tịch Viện Công nghệ xanh quốc gia Hàn Quốc (NIGT), cho rằng hướng phát triển xanh trở thành cứu cánh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, là một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Ông cho biết các công nghệ giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghệ để phát triển thành phố xanh là chủ đề quan trọng và có ý nghĩa.
Chia sẻ về thực trạng năng lượng tái tạo ở 7 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, ông Lee nhấn mạnh mỗi quốc gia cần thiết kế chiến lược phù hợp, song cần chú trọng tính kết nối công nghệ nhằm xử lý nguồn cung và nhu cầu về năng lượng tái tạo. Hiện NIGT thực hiện 55 dự án toàn cầu, hợp tác với các quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong số đó là chiến lược quốc gia về hydrogen.
Để đáp ứng hướng chuyển đổi xanh, PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, cho biết tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện VKIST có 6 nhóm nghiên cứu. Trong đó hướng phát triển vật liệu tiên tiến đưa công nghệ mới trong tái chế các phụ phẩm, phế thải nông nghiệp. Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, tận dụng các nguồn dược liệu nhằm tạo công nghệ có hiệu năng cao phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực năng lượng môi trường, thực hiện công nghệ xử lý nước thải, phát triển hệ thống lọc nước, hỗ trợ ứng dụng công nghệ xanh trong pin, khai thác đất hiếm...
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia Hàn Quốc cũng giới thiệu các công nghệ giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ hóa học xanh tiên tiến, xây dựng năng lực về bảo mật và quyền riêng tư cho thành phố thông minh, an toàn. Các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm và bài học về phát triển thành phố xanh, thông minh, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan công nghệ phát triển thành phố xanh.
Hội thảo tiểu vùng Đông Nam Á về phát triển công nghệ xanh cho thành phố thông minh, an toàn kéo dài từ 6 - 9/12 với chủ đề về "Công nghệ giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghệ để phát triển thành phố xanh, thông minh, an toàn". Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) phối hợp một số đơn vị tổ chức.
Như Quỳnh