Đầu tháng 5, Geoffrey Hinton, được gọi là "cha đỡ đầu" của lĩnh vực AI, quyết định rời Google để có thể cảnh báo về mối nguy hiểm phía sau AI, khiến thế giới bắt đầu chú ý hơn đến những người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Geoffrey Hinton
Vị giáo sư 75 tuổi người Canada gốc Anh này nổi tiếng thế giới nhờ công trình về mạng lưới thần kinh nhân tạo - một công nghệ cố gắng bắt chước cách thức hoạt động của bộ não con người và là nền tảng cho hầu hết sản phẩm AI ngày nay, từ Google Dịch, Bard, ChatGPT đến ôtô tự lái.
Với những công trình nghiên cứu phát triển thuật toán về học sâu và ứng dụng trong các lĩnh vực như nhận dạng giọng nói, dịch máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Geoffrey Hinton là một trong những người truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng lớn đến thế hệ nhà nghiên cứu AI sau này.
Ông cũng là giáo sư tại Đại học Toronto và là một trong những thành viên đồng sáng lập công ty Google Brain. Ông ủng hộ việc mô phỏng bộ não người hoàn chỉnh và khẳng định không có lý do gì để nghĩ máy tính không thể thông minh hơn con người. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển AI có trách nhiệm và cần đảm bảo rằng các quyết định của AI không gây tổn hại hoặc thiên lệch đối với cá nhân và cộng đồng.
Năm 2018, Hinton cùng Yoshua Bengio và Yann LeCun được trao giải Turning - giải thưởng được ví như Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính. Cả ba cùng nghiên cứu về mạng lưới thần kinh, một loại phần mềm máy học mô phỏng cách thức hoạt động của bộ não con người - một trong những tiến bộ lớn nhất của ngành khoa học hiện đại và có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của AI.
Đầu tháng 5, ông gây xôn xao khi quyết định rút khỏi vị trí phó chủ tịch và quản lý công nghệ tại Google để có thể công khai về hiểm họa AI đối với nhân loại. "Thực tế, tôi rời đi để có thể nói về những mối nguy của AI mà không phải xem xét điều này ảnh hưởng đến Google thế nào", ông viết trên Twitter ngày 1/5 sau khi từ chức.
Yoshua Bengio
Giáo sư Yoshua Bengio, sinh năm 1964 người Canada, cũng là một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực deep learning (học sâu).
Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila và trở thành trung tâm toàn cầu của những tiến bộ khoa học, góp phần quan trọng đưa Montreal (Canada) trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ học sâu. Đến 2020, Google, Facebook, Microsoft và Samsung đều đã thành lập phòng thí nghiệm vệ tinh ở Montreal.
Bên cạnh giải thưởng Turing danh giá, Bengio còn là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới theo Guide2Research năm 2021.
Quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, ông đã đóng góp tích cực cho Tuyên bố Montreal về Phát triển Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Tại Hội nghị thượng đỉnh AI Canada - Việt Nam đầu tháng 6 ở Quebec, giáo sư Bengio nhận định để thúc đẩy AI phát triển mạnh mẽ cần hàng rào pháp lý khi ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trước khi luật pháp có thể tạo ra sự thay đổi, giáo dục là công cụ nhanh và bền vững nhất để con người đồng hành của AI.
Yann LeCun
Yann LeCun, sinh năm 1960, là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập (CNN). Nhà khoa học người Pháp này đã phát triển mô hình LeNet vào những năm 1990, mô hình CNN đầu tiên được sử dụng để nhận dạng chữ viết tay. CNN đã trở thành công cụ quan trọng trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh, là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ được triển khai bởi các công ty như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, IBM, NEC, AT&T trong nhận dạng video, tài liệu, ảnh, giọng nói.
Ông cũng đề xuất mô hình Deep Q-Network (DQN) năm 2013. Đây là phương pháp sử dụng học sâu để huấn luyện hệ thống AI chơi các trò chơi video. Ông được trao giải Turning cho những đột phá về khái niệm và kỹ thuật biến mạng lưới thần kinh sâu trở thành một thành phần quan trọng của máy tính.
Giáo sư LeCun đã xuất bản hơn 200 bài báo về chủ đề này cũng như về nhận dạng chữ viết tay, nén hình ảnh và phần cứng chuyên dụng cho AI. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Meta AI Research (FAIR), một tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI.
Andrew Ng
Andrew Ng, sinh năm 1976, là nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Trung. Ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực học máy và AI mà còn có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển và phổ biến khóa học trực tuyến, giúp hàng triệu người trên toàn thế giới tiếp cận và học tập về hai lĩnh vực này.
Ông đồng sáng lập Coursera - nền tảng học trực tuyến đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc dạy và học. Ông cũng là trưởng nhóm sáng lập Google Brain và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Stanford. Andrew Ng hiện là CEO của Landing.AI và DeepLearning.AI.
Công trình nổi tiếng nhất của ông là phát triển mô hình học sâu trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh. Đây là bước đột phá quan trọng cho nhiều ứng dụng thành công như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng đối tượng và xe tự hành. Ông cũng đóng góp vào các dự án như Google Street View và Google Photos, trong đó sử dụng công nghệ học sâu để phân loại hình ảnh.
Năm 2008, ông đã được MIT Technology Review vinh danh là một trong 35 người sáng tạo nhất dưới 35 tuổi trên thế giới. Năm 2013, ông có tên trong Time 100 - danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong các lĩnh vực.
Vân Anh
- Tính cách của 'ông trùm AI' vừa rời Google
- Nỗi lo về thảm họa AI