Áp lực chuyển đổi số trong nông nghiệp không đơn thuần là việc ngành muốn hay không, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả chuỗi cung ứng mới có thể bắt kịp xu hướng quốc tế và đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày một khắt khe từ người tiêu dùng. Đây là khẳng định của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp tham dự tọa đàm "Đẩy mạnh chuyển đổi số các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam", vừa diễn ra sáng nay (17/6), truyền tải trên VnExpress.
Trong vai trò hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện số hóa, ông Nguyễn Huy Hoàng - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng, việc chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao được nhiều công ty và thị trường quan tâm. Tuy nhiên, vấp phải những thách thức nhất định.
Ví dụ, diện tích vùng trồng tại miền Bắc khá manh mún, khó tổ chức sản xuất quy mô lớn, nên chưa đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Hay quy trình thu hoạch, bảo quản nông sản của bà con tốn nhiều thời gian, làm giảm chất lượng sản phẩm. Nông nghiệp 4.0 phải giải quyết bài toán từ thu hoạch đến thẳng bàn ăn một cách nhanh nhất, đại diện VIDA nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, PGS, TS Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) nhận định, có 2 thách thức đặt ra cho nông nghiệp thông minh. Một là vấn đề công nghệ. Hai là đào tạo nguồn nhân lực, với 70-80% nông dân thiếu năng lực sử dụng tin học.
Bên cạnh đó, theo đại diện VAAS, năng lực sơ chế, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế. Chưa nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến sâu. Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư đồng bộ, nhưng thiếu các công nghệ quy mô nhỏ phục vụ các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ.
Thay đổi tư duy
Với kinh nghiệm trong hệ sinh thái nông nghiệp thông minh và xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nafoods Group khẳng định, trước hết cần hình dung xuất phát điểm của nền nông nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp Việt có lợi thế gì; số hóa theo cách nào phù hợp. "Đã đến lúc phải thay đổi tư duy: làm công nghiệp trong nông nghiệp. Số hóa chuỗi giá trị lần lượt từ chọn giống, quy trình trồng, chăm sóc, đến chế biến, tiêu thụ", ông Hùng nói.
Lấy ví dụ tại Nafoods, đơn vị ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. "Từ cây ông, bà, bố, mẹ đến cây giống cuối cùng đều được gắn một cái tên, giống như chứng minh nhân dân. Dù cây giống được bán đến nơi đâu, chúng tôi vẫn dễ dàng truy ra xuất xứ", vị này nói.
Bên cạnh đó, công ty này áp dụng hệ thống cảm biến trong tất cả các khâu như bón phân, cung cấp độ ẩm, ánh sáng... Các chỉ số thu về được hệ thống tự động phân tích, đánh giá. Tiếp đó, quá trình tiêu thụ, chế biến, hay quy trình quản lý cũng sử dụng các phần mềm. "Ngay cả trong vận chuyển, khách hàng cũng nắm được hàng hóa đang ở kho nào, cảng nào", đại diện Nafoods cho hay.
Số hóa chuỗi cung ứng
Các diễn giả nhận định, khi tiếp cận số hóa, không ít hộ sản xuất, doanh nghiệp băn khoăn bắt tay từ đâu, quy trình nào sẽ phát huy hiệu quả. Đại diện VIDA gợi ý, bước đầu, các đơn vị có thể số hóa sản phẩm, trong đó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ bằng công nghệ thông minh. Song song, việc số hóa thị trường cũng cần đẩy mạnh, nhằm thu thập dữ liệu về nhu cầu, tiêu chuẩn của khách hàng, giảm tình trạng cung cầu không khớp, gây thiệt hại cho cả nhà sản xuất cũng như các bên trung gian.
Ở góc nhìn khác, đại diện Nafoods Group cho rằng, cần thực hiện đầy đủ các công đoạn số hóa, có thể bắt đầu tư quy mô nhỏ, giúp hộ sản xuất nhỏ, hợp tác xã có thể bắt tay làm ngay. Đây cũng là mô hình tại nhiều nước phát triển. Ngoài ra, nếu chỉ thực hiện một công đoạn, thì sản phẩm tạo ra không có giá trị, khách hàng chỉ quan tâm tới sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, do đó đòi hỏi ứng dụng công nghệ một cách đồng bộ.
Cụ thể, doanh nghiệp lớn cần đi đầu thử nghiệm, chuẩn hóa quy trình dù trên quy mô nhỏ. Nafoods hiện áp dụng mô hình tiêu chuẩn trên các vùng trồng chanh leo ở nhiều địa phương. "Với 1 cây giống hay 10 triệu cây giống, chúng tôi cũng thực hiện số hóa đồng bộ", vị này nhấn mạnh.
Đại diện VIDA đồng tình, bản chất của số hóa cũng là thu thập thông tin của chuỗi giá trị, nên cần rõ mục đích để làm gì và cho ai, nếu thông tin không sử dụng đến sẽ gây lãng phí. Do vậy, cần dựa trên nhu cầu của khách hàng, thị trường để đồng bộ thông tin trong chuỗi giá trị, từ bà con sản xuất, hợp tác xã đến doanh nghiệp thu mua, chế biến. VAAS cho biết, đơn vị kết nối với các doanh nghiệp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành nông nghiệp.
Theo đại diện VIDA, để số hóa phát huy hiệu quả, còn cần cân bằng quyền lợi giữa người sản xuất với các nhà đầu tư. Người nông dân thu về thành quả xứng với công sức họ bỏ ra. Các nhà đầu tư với vai trò kết nối thị trường, nắm rõ cách quản trị sẽ đưa giá trị nông nghiệp lên tầm cao mới. VAAS đề xuất, mối quan hệ này sẽ bền chặt hơn khi doanh nghiệp nâng cao vị thế dẫn dắt, hướng dẫn hộ sản xuất về các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, được thị trường đón nhận.
Bên cạnh đó, các diễn giả quan tâm tới vai trò của thương mại điện tử giúp quá trình số hóa ngành nông nghiệp diễn ra thuận lợi hơn, ổn định tâm lý sản xuất của bà con. "Tất cả quy trình số hóa cần dùng tiếng Việt. Hiện nhiều phần mềm, công cụ bằng tiếng Anh gây khó cho nông dân", một diễn giả nói thêm.
Minh Chi