Việc công nhận nhà nước Palestine "mang lại hy vọng cho người dân Palestine ở Bờ Tây và Gaza", Thủ tướng Slovenia Robert Golob ngày 4/6 viết trên mạng xã hội X sau khi cuộc bỏ phiếu tại quốc hội kết thúc.
Chính phủ Slovenia tuần trước công bố kế hoạch công nhận nhà nước Palestine, tiếp bước loạt quốc gia châu Âu khác như một phần trong nỗ lực sâu rộng hơn nhằm phối hợp gây áp lực lên Israel chấm dứt xung đột ở Gaza.
Một nhóm quốc hội về các vấn đề đối ngoại hôm 2/6 tán thành quyết định của chính phủ với đa số phiếu.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ Slovenia (SDS) cánh hữu của cựu thủ tướng Janez Jansa sau đó đệ trình đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tính tham vấn về nỗ lực công nhận nhà nước Palestine, khiến cuộc bỏ phiếu có thể bị trì hoãn ít nhất một tháng.
SDS, đảng đối lập lớn nhất Slovenia, cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để công nhận nhà nước Palestine và động thái này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Hamas.
Trong lúc liên minh cầm quyền, chiếm đa số trong quốc hội gồm 90 thành viên của Slovenia, cố gắng tìm cách bác bỏ yêu cầu trưng cầu dân ý và tiến hành bỏ phiếu, SDS đã rút lại đề xuất nhưng lại đệ trình vài giờ sau đó.
Ủy ban đối ngoại của quốc hội tuyên bố nó không thỏa đáng và bác bỏ đề xuất tại một phiên họp bất thường.
Quyết định công nhận nhà nước Palestine được thông qua với 52 phiếu ủng hộ và không có ai phản đối sau khi đảng SDS đối lập rời khỏi phiên họp.
Trong 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), Thụy Điển, Cyprus, Hungary, Czech, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria đã công nhận nhà nước Palestine. Malta cũng nói rằng họ có thể sớm thực hiện động thái tương tự.
Hầu hết các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, song phải vào thời điểm sau khi đạt được thỏa thuận về các vấn đề nan giải như biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem. Chiến sự đang diễn ra ở Gaza khiến xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi công nhận nhà nước Palestine.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)