Cả VCK World Cup năm nay, FIFA dùng ít nhất 300.000 quả Al Rihla và Al Hilm do Adidas cung cấp. Việc sản xuất loại bóng này, Adidas giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc và Forward Sports với nhà máy chính tại Sialkot.
Đơn vị gia công ở Pakistan nói họ chiếm 33% sản lượng Al Rihla. Đây là kỳ World Cup thứ ba liên tiếp Forward Sports cung cấp bóng thi đấu, hai lần trước là Brazuca tại Brazil 2014 và Telstar 18 ở Russia 2018. Với Al Rihla năm nay, Forward Sports làm bằng công nghệ ép nhiệt do họ phát triển từ 2007.
Nhưng khi xét tổng thể, doanh nghiệp này chỉ là bề nổi trong danh tiếng của Sialkot trong ngành sản xuất dụng cụ thể thao quốc tế. Riêng mảng bóng đá, thành phố này có khoảng 1.000 nhà máy với 60.000 lao động (chiếm 8% dân số).
Với hạ tầng và nhân lực đó, Sialkot được ví như lò sản xuất bóng đá may tay lớn nhất thế giới, khi chiếm 70% nguồn cung và 80% sản lượng do người khâu. Theo tìm hiểu từ Bloomberg Businessweek, bóng may tay bền hơn loại may bằng máy nhờ đường khâu sâu hơn, chỉ nối chặt hơn.
Tại nhà máy Anwar Khawaja Industries, mỗi công nhân được thù lao khoảng 0,75 USD cho mỗi quả bóng đá họ hoàn thiện. Việc làm ra thành phẩm mất ba tiếng. Nếu làm xuyên suốt 30 ngày, trung bình mỗi ngày ba quả, thu nhập tháng mỗi người khoảng 67,5 USD. Hầu hết công nhân may bóng là phụ nữ, còn lịch làm việc của họ thông thường là may xong hai quả rồi về nhà nấu ăn sau đó sang lò khác để may thêm.
Trong khi đó, đàn ông phụ trách nhiều công đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất, chẳng hạn như chuẩn bị vật liệu hoặc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn FIFA. Trước đây, các nhà máy ở Sialkot thuê cả trẻ 5 tuổi vào phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, việc này bị cấm, theo luật Lao động Pakistan ban hành năm 1997.
Hầu hết bóng ở Sialkot được làm bằng da tổng hợp - cotton, polyester và polyurethane. Thành phần vật liệu được nhập từ nhiều quốc gia. Bóng rẻ nhất dùng vật liệu Trung Quốc, loại chất lượng cao hơn thì xài đồ Hàn Quốc. Riêng bóng cho giải Bundesliga hay đấu trường châu Âu thì phải dùng vật liệu Nhật.
Mỗi quả truyền thống cấu thành từ 20 mảnh lục giác, 12 mảnh ngũ giác, ghép lại với nhau bằng 690 mũi khâu. Hiện nay, bóng sản xuất bằng công nghệ ép nhiệt xuất hiện nhiều hơn. Chất lượng loại này vẫn cao, chi phí sản xuất rẻ hơn nhưng khâu vận chuyển tốn kém hơn, chủ yếu vì nhược điểm chiếm chỗ trong chuyến hàng do đặc tính không thể xẹp sau khi ra lò.
Tại World Cup 2022, bóng Al Rihla được dùng từ đầu đến hết vòng tứ kết. Các trận từ bán kết trở đi đều dùng bóng Al Hilm. Trong tiếng Ả-rập, Al Rihla là hành trình, còn Al Hilm là giấc mơ. Cả hai loại đều tích hợp chip ghi dữ liệu sút như vận tốc bay, độ xoáy... và hỗ trợ trọng tài phân xử khi có tình huống khó xác định bằng mắt thường - việt vị, bóng qua biên hay chưa...
Theo FIFA, Al Hilm là bóng thi đấu bán kết và chung kết đầu tiên chỉ sử dụng mực và keo gốc nước để giảm thiểu tác hại với môi trường. Ánh vàng và vân tam giác chìm trên bề mặt Al Hilm lấy cảm hứng từ sa mạc óng ánh bao quanh thủ đô Doha của chủ nhà Qatar, màu cup cho đội vô địch cùng hoạ tiết trên quốc kỳ nước đăng cai.
Quốc Huy