Japandi là sự kết hợp của hai nền văn hóa coi trọng chủ nghĩa tối giản và sự yên tĩnh, theo nhà tạo mẫu nội thất nổi tiếng Colin King. Phong cách này tôn vinh sự tối giản, thoải mái, tính bền vững và kết nối với thiên nhiên, đồng thời chia sẻ gu thẩm mỹ qua hình khối, tông màu trung tính cùng các họa tiết và vật liệu tự nhiên.

Bên cạnh màu sắc trắng sáng với các gam màu trung tính của hệ không gian trần - tường - sàn, đường nét không gian gọn gàng, mềm mại cũng là đặc trưng của phong cách Japandi. Điều này được thể hiện qua những đường cong bo góc ở nẹp viền cửa, ô cửa tròn và vật dụng trang trí. Ảnh: Phú Đào
Chủ nghĩa tối giản
Chủ nghĩa tối giản là cốt lõi của phong cách Japandi. Điều này được thể hiện thông qua gu thẩm mỹ đơn giản, gọn gàng bằng cách sử dụng các điểm nhấn trang trí tối giản và tập trung vào công năng. Cách tiếp cận tinh tế của Japandi đối với chủ nghĩa tối giản giúp làm dịu tâm trí, gia tăng sự thoải mái.
Màu sắc trung tính
Bảng màu trong nội thất Japandi được lựa chọn cẩn thận để gợi lên cảm giác yên bình và hài hòa. Những màu sắc trầm, êm dịu và trung tính mô phỏng những sắc thái nhẹ nhàng định hình nên màu sắc của Japandi như trắng ngà, kem, màu be đất và xám nhạt... Màu nhấn được sử dụng một cách hạn chế để làm nổi bật một vài điểm hoặc họa tiết trong không gian.

Hướng tới phong cách Japandi, Toshiba giới thiệu bộ sưu tập "Japandi - "sống sang trong thầm lặng" với triết lý "Beyond Details, Innovate Tomorrow" (tạm dịch: Từng chi tiết hoàn hảo, tạo dựng tương lai) của Toshiba Lifestyle. Trong ảnh là điều hòa Toshiba Daiseikai RAS-H18T4KCVRG-V có khả năng tùy biến phần vỏ, "lớp áo phủ" từ công nghệ dệt truyền thống Nhật Bản. Lớp vỏ điều hòa này sử dụng vật liệu vải dệt truyền thống Kimono của người Nhật Bản, có thể phối màu sắc ăn nhập với màu rèm, bộ sofa, thảm... tạo thành món đồ trang trí nội thất thú vị. Ảnh: Toshiba Lifestyle
Vật liệu tự nhiên, có kết cấu
Japandi hướng đến các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, mây, tre, vải lanh và các yếu tố trang trí làm bằng gốm và thủy tinh. Các vật liệu này làm tăng thêm sự ấm áp về mặt thị giác cho không gian và tạo ra sự kết nối với thiên nhiên. Khi thêm những vật liệu tự nhiên này vào không gian, điều quan trọng là phải xây dựng các lớp kết cấu từ từ.
Đối với gỗ, ưu tiên sản phẩm gỗ thô, chưa phủ sơn, có vân gỗ nhìn thấy được, gợi cảm giác hài hòa với thiên nhiên.
Nội thất thấp
Một trong những nét đặc trưng của phong cách trang trí Japandi là sử dụng đồ nội thất thấp. Hầu hết các ngôi nhà Scandinavia đều có điểm nhấn bằng gỗ sồi và gỗ gụ mang lại cho bạn sự ấm áp, trong khi đồ nội thất Nhật Bản xoay quanh bảng màu trung tính, sự đơn giản và các phòng mở được trang trí một cách tiết kiệm.

Không gian bếp mang phong cách tối giản, hài hòa thiên nhiên cùng sự bố trí các thiết bị Toshiba Japandi mang thông điệp "sự hoàn hảo trong thầm lặng". Trong ảnh là tủ lạnh Toshiba Japandi mang phong cách kết hợp giữa đường nét thanh thoát của Fuji White Nhật Bản với các yếu tố tự nhiên, ấm áp của thiết kế Scandinavian. Ảnh: Toshiba Lifestyle
Đồ trang trí thủ công
Đồ trang trí theo phong cách Japandi kết hợp các mặt hàng thủ công, tôn vinh sự đơn giản và nét quyến rũ mộc mạc của chúng như chiếc giỏ đan bằng mây, bình đất nung, chuông đồng, đồ gốm, đèn thả vải lanh...
Ngoài việc trưng bày cây cối, cành cây và các vật thể tự nhiên làm đồ trang trí, gia chủ cũng có thể kết hợp đồ gốm, đồ đất nung và đá cẩm thạch để tạo điểm nhấn thị giác.
Cây xanh
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất Japandi, mang lại sức sống và sinh khí cho không gian. Cho dù là cây trồng trong chậu, gỗ tái chế, cây cảnh hay những cách cắm hoa đơn giản, việc bổ sung cây xanh hoặc gỗ sẽ mang đến nét thiên nhiên cho không gian và củng cố mối liên hệ với thiên nhiên ngoài trời - một nguyên tắc chính của phong cách Japandi.
Anh Vũ