Giải pháp kinh doanh đa lĩnh vực bền vững
Thành lập năm 1997, Sao Mai Group là một trong những tập đoàn lâu năm góp mặt trong đa dạng lĩnh vực doanh nghiệp, trải dài từ nông lâm thủy hải sản đến điện mặt trời và bất động sản. Tập đoàn kiên định với kim chỉ nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời luôn đề cao trách nhiệm xã hội, hướng tới sự phát triển chung của cộng đồng, song song với lợi ích doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Sao Mai Group sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tạo ra những thành phẩm mang giá trị lợi ích cho kinh tế - xã hội Việt Nam từ con cá tra. Theo doanh nghiệp, việc biến "phụ phẩm" thành "chính phẩm" là bước đi giúp mang về ngoại tệ cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định giá trị của sản vật đồng bằng.
Song song với cách nuôi truyền thống, doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống. Nhờ đó, từ con cá tra, Sao Mai Group đã tinh luyện thành công mỡ cá thành dầu ăn; sản xuất shortening (nguyên liệu trong ngành thực phẩm cao cấp) và margarine (bơ); thành lập trung tâm nghiên cứu giống chất lượng cao, nghiên cứu sản xuất bột cá... Chính những thành tựu này đã giúp tạo đà phát triển bền vững, ổn định cho doanh nghiệp suốt nhiều năm qua.
Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn Sao Mai đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên nóc nhà máy công ty IDI (thành viên Sao Mai Group), công suất 1,06 Mwp. Hệ thống khánh thành tháng 5/2017 là một trong những nhà máy điện mặt trời áp mái đầu tiên, có công suất lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Việc ứng dụng năng lượng xanh vào sản xuất đã giúp công ty IDI tiết kiệm đến 20% chi phí điện năng tiêu.
Ngoài ra còn có nhà máy điện mặt trời Europlast Long An, công suất 50Mwp. Nhà máy điện mặt trời An Hảo với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, công suất phát điện 210MWp, trải rộng trên diện tích khoảng 275 ha. Công trình tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, hiệu suất sản xuất điện năng hơn 302 triệu KWh một năm. Nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar còn được bình chọn là một trong "10 dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam" năm 2020 và 2021.
![Nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai tại An Giang. Ảnh: Sao Mai Group](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/12/17/image001-7978-1671281619.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZjUhDeQVTtPk5zrbF3bGMQ)
Nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai tại An Giang. Ảnh: Sao Mai Group
Lĩnh vực thứ ba Sao Mai góp mặt và cũng đạt những thành tựu nổi bật là thực phẩm dinh dưỡng 100% từ cá. Sản phẩm dầu ăn Ranee được chiết xuất từ cá và sản xuất trên dây chuyền tinh luyện hiện đại của châu Âu. Đơn vị ứng dụng công nghệ phương pháp vật lý, giúp giữ lại dưỡng chất tự nhiên có trong cá như omega 3, EPA, DHA và vitamin E...
Dầu ăn tinh luyện từ cá còn có đặc điểm màu vàng sáng tự nhiên, không chuyển màu khi sử dụng nhiều lần. Nhiệt độ cháy cao giúp tránh sản sinh chất độc hại. Dựa trên nguyên tắc làm lạnh đông hóa, Ranee tách chiết riêng biệt dầu lỏng và đặc, lọc ép, khử màu, khử mùi trong môi trường áp suất chân không. Nhà máy tinh luyện của công ty AFO cũng đạt các chứng nhận FSSC 22000, HACCP và Halal, có công suất tinh luyện lên đến 200 tấn nguyên liệu một ngày.
Đề cao trách nhiệm xã hội
Với các sáng kiến ứng dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất và kinh doanh, Sao Mai Group đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Song song với duy trì và tăng trưởng lợi ích doanh nghiệp, đơn vị còn tập trung vào các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện ý nghĩa, giúp cải thiện đời sống dân sinh tại địa phương ĐBSCL.
Cụ thể, Sao Mai Group là một trong những đơn vị tiên phong khởi xướng ngành năng lượng tái tạo tại khu vực biên giới Tây Nam. Đơn vị lấy an ninh năng lượng làm tiền đề, chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào dự án nhà máy Điện mặt trời (Solar Farm), giúp giảm tỷ lệ phụ thuộc của nền kinh tế vào năng lượng hóa thạch, góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch.
![Nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại Tịnh Biên (An Giang) có công suất đến 210 MWp, là một trong những dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển năng lượng sạch của tập đoàn. Ảnh: Sao Mai Group](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/12/17/image003-8095-1671281619.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c1pJi18fzKfKHPiMj2wSWQ)
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại Tịnh Biên (An Giang) có công suất đến 210 MWp, là một trong những dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển năng lượng sạch của tập đoàn. Ảnh: Sao Mai Group
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chú trọng vấn đề môi trường của sinh giới trong khu vực và quốc gia. Thông qua việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư, đơn vị nhận được sự đồng tình và ủng hộ của chính quyền nhờ nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững môi trường tự nhiên theo hướng tích cực.
Đặc biệt, Sao Mai group còn dựa vào loại hình du lịch sinh thái, sáng tạo những công trình xanh nghệ thuật. Ngoài giúp nâng cao kiến thức cư dân, các thành tựu này còn góp phần giáo dục về môi trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong khu vực.
Đồng hành cùng Mekong Startup 2022 hướng đến giảm phát thải
Tiếp tục với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng, Sao Mai Group đồng hành cùng diễn đàn Mekong Startup 2022 với cương vị là nhà tài trợ Bạc. Với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", diễn đàn hướng đến mục tiêu chính gồm giảm biến đổi khí hậu, hạn chế những ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp được xem là trọng tâm với các giải pháp số hóa hiệu quả theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo. Sao Mai Group kỳ vọng thông qua diễn đàn có thể chung tay cùng chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hiến kế thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL "cất cánh".
Ngoài ra, tập đoàn cũng có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Đồng thời, đơn vị còn thuận lợi quảng bá các sản phẩm từ đa lĩnh vực mà họ đang kinh doanh bao gồm năng lượng tái tạo, nông lâm thủy hải sản, thực phẩm và địa ốc...
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông Báo VnExpress. Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19 đến 20/12 với 4 phiên, bao gồm: giới thiệu các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; tư vấn chia sẻ cùng các doanh nghiệp start-up; nghị sự xoay quanh chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực; khép lại với phiên toàn thể.
Thy An