Chặng half marathon đầu tiên của runner khiếm thị
Tại cự ly 21km và 42km tại Ecopark Marathon 2021 diễn ra cuối tuần vừa rồi, nhiều runner chứng kiến một vài cặp đôi nối với nhau bằng sợi dây khi chạy. Tay phải của người này cầm dây với tay trái của người kia, luôn chạy song song và không bao giờ rời nhau nửa bước. Đó chính là nhóm các runner khiếm thị và người dẫn dắt.
Vũ Tiến Mạnh, 21 tuổi, vận động viên thể dục thể thao khiếm thị là một trong số đó. Mạnh chạy gần như mỗi ngày nhưng chủ yếu quanh sân tập với cự ly tối đa 5km. Tại giải chạy lần này, runner khiếm thị đã hoàn thành cự ly half marathon với sự dẫn dắt của người đồng hành Mai Chi sau 2h31 phút. Đó cũng là lần đầu tiên Mạnh thử sức với quãng đường 21km.
Là một người khiếm thị, mỗi bước chạy đều cần một người bên cạnh song hành. Chặng 21km tại sự kiện cũng không ngoại lệ, người dẫn dắt suốt hơn hai tiếng đồng hồ đã "vẽ" khung cảnh xung quanh cho Mạnh qua từng lời nói.
"15 cây số đầu, khi sức lực còn nhiều, chị Mai Chi mô tả liên tục để em hình dung được đâu là hồ nước, đâu là công viên, sân golf trông như thế nào, vườn hoa đang bung nở màu sắc ra sao, những khu nhà mang hình dáng gì... dù không nhìn thấy nhưng em đều có thể tưởng tượng và cảm nhận con đường mà mình đang sải bước trong đầu", Mạnh chia sẻ.
Không chỉ tưởng tượng qua lời mô tả của Mai Chi, Mạnh còn trải nghiệm không gian qua nhiều giác quan khác. Mạnh biết mình đang sải bước trên con đường rợp bóng cây vì không cảm nhận được nắng rọi vào làn da, hiểu rằng mình đang đi qua hồ khi đón những cơn gió mát, nhận ra thiên nhiên đang vây xung quanh khi nghe thấy tiếng chim hót rộn rã.
15km đầu tiên của chặng HM, Mạnh chinh phục dễ dàng. Sự mệt mỏi chỉ đến ở 6km cuối, khi người đồng hành cũng bắt đầu mệt và không thể giao tiếp nhiều như trước. Cả hai chỉ tập trung về đích. Chính vào lúc này, không khí sôi động của cung đường được Mạnh cảm nhận qua thính giác. "Em nghe thấy hơi thở dồn dập của những anh chị đang chạy xung quanh, cả tiếng bước chân đều đều không ngừng nghỉ của họ, những âm thanh đó khiến em có động lực để không bỏ cuộc và rút đích thành công", Mạnh cho biết.
Trên hành trình chinh phục đường chạy, Mạnh biết mình là một runner đặc biệt, nhưng không lấy đó làm tự ti. Đôi lúc có một số người chạy qua và nói những câu trên đùa như: "trông tình cảm quá, chạy bộ mà lãng mạn ghê..." nhưng sau khi nghe Mạnh giải thích, nhiều người đã dành cho cậu những lời động viên cổ vũ, Mạnh nghĩ đó là niềm vui đặc biệt, tiếp thêm sự quyết tâm ở những chặng cuối trước khi về đích.
Niềm vui của những người dẫn đường
Cùng tham gia Ecopark Marathon với Vũ Tiến Mạnh còn có hai runner khiếm thị khác là Tạ Đình Hán và Phạm Trung Thu. Mỗi người được "thắt dây" và dẫn dắt bởi người đồng hành lần lượt là runner Mai Chi, Tuấn Đỗ và Phạm Bình Linh.
Trong suốt hành trình 21km, người dẫn dắt đã trở thành đôi mắt của runner khiếm thị, thay vì trải nghiệm, lưu giữ cảnh vật vào tâm trí của bản thân, họ dùng lời nói để kể chuyện, mô tả từng địa hình, từng khung cảnh thiên nhiên, vườn cây, mặt nước, vẽ lại những gì mình nhìn thấy, giúp runner khiếm thị tưởng tượng vẻ đẹp của đường đua một cách rõ ràng hơn. Nhóm những người dẫn dắt này do anh Phạm Bình Linh thành lập và dẫn đầu. Anh cũng là người nhen nhóm ý tưởng giúp các chân chạy khiếm thị được tham gia trải nghiệm niềm vui khi chạy marathon.
Từng là một vận động viên chuyên nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với những người khiếm thị tại nơi tập luyện, hơn một năm trước, anh Phạm Bình Linh đã bắt đầu thực hiện ý tưởng đưa các vận động viên khiếm thị ra ngoài chạy bộ, giúp họ trải nghiệm các không gian mới thay vì đường chạy hàng ngày ở khu tập luyện. Không nhằm mục đích tranh đua, theo đuổi thành tích, trải nghiệm chạy với runner khiếm thị xuất phát từ mong muốn mang đến cho họ niềm vui khi sải bước chạy, hoà mình vào thiên nhiên.
"Thành tích không quan trọng", anh Linh nhấn mạnh khi nói về nỗ lực của 3 vận động viên khiếm thị suốt giải chạy vừa qua. Trên chặng 21km, nhiều lần họ phải dừng lại đi bộ khi gặp phải một địa hình lạ. Những đoạn lên dốc, xuống dốc, một vài khúc cua có thể là đơn giản với các chân chạy bình thường nhưng lại là thử thách đối với những người khiếm thị. Để hoàn thành chặng đua, cả hai đã phải nỗ lực hoà nhịp với nhau trong từng nhịp thở, từng bước chân.
Từng dẫn dắt nhiều người khiếm thị, anh Linh cho biết đây là hoạt động khá khó khăn với những ai chưa từng trải nghiệm. Cả runner và người dẫn dắt đều phải có sự thống nhất trong từng ám hiệu, phải liên tục nói khi đến đoạn rẽ trái, rẽ phải, nếu có bậc thang người dẫn sẽ phải nhắc trước chính xác số bậc phải bước, hay khi qua từng vạch kẻ đường phải lưu ý runner nhấc cao chân...
Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng anh Linh luôn muốn nhấn mạnh niềm vui khi đồng hành cùng những vận động viên khiếm thị. Anh yêu thích việc được "kể chuyện" cho họ về những con đường, vui chung niềm vui khi hoàn thành cuộc đua. Dù không nhìn thấy những cảm nhận của những người khiếm thị về đường chạy lại rõ ràng theo cách khác. Nhờ những lời kể của người dẫn dắt, họ sẽ nhớ rất rõ nơi nào là hồ, khoảng km bao nhiêu là sân golf, hương thơm của vườn hoa hay không khí trong lành khi chạy giữa những hàng cây của khu đô thị.
Trong hành trình chinh phục 21km, nhiều chân chạy khi biết anh đang dẫn đường cho runner khiếm thị đã hô hào mọi người nhường đường, cổ vũ động viên... Điều này giúp anh có động lực hơn để kiên trì với những gì mình đang làm, nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ nhiều runner khiếm thị có thể tận hưởng niềm vui khi được tham gia và hoàn thành một giải marathon.
Tại lần đầu tiên thử thách với cự ly 21km, đôi chạy Tạ Đình Hán – Phạm Bình Linh cán đích sau 1h59 phút, theo sau đó là Vũ Tiến Mạnh – Mai Chi với thành tích 2h31 phút và Phạm Trung Thu – Tuấn Đỗ với thành tích 2h47 phút. Hành trình của họ đã chứng minh rằng, niềm vui của việc chạy bộ có thể đến với mọi người, không quan trọng họ là ai hay xuất phát điểm như thế nào, vẻ đẹp của đường chạy không chỉ có thể nhìn bằng mắt, mà còn "thấy" được bằng nhiều giác quan.
Phạm An