Dòng Royal Oak biểu tượng - đồng hồ thể thao bằng thép
đầu tiên ra đời 50 năm trước - đánh dấu bước ngoặt của
thương hiệu Audemars Piguet.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm đầu thập niên 1970, Audemars Piguet đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử nhà chế tác: sản lượng gấp 10 lần (cung cấp 5.500 chiếc đồng hồ mỗi năm), doanh thu gần 10 triệu franc Thụy Sĩ. Với tầm nhìn xa và tham vọng đưa thương hiệu đến nhiều thị trường hơn nữa, CEO thời ấy - ông Georges Golay - đã hợp tác với đại diện các phân phối nổi tiếng, trong đó có Carlo de Marchi, Charles Bauty, Charles Dorot.

Hành trình dòng Royal Oak biểu tượng nhen nhóm từ tháng 4/1970, khi CEO Georges Goley gặp gỡ các nhà phân phối mới tại triển lãm Basel Fair. Trong cuộc phỏng vấn năm 1982, ông cho biết: "Ý tưởng về Royal Oak bắt đầu từ 1970, nhờ sự gợi ý của các nhà phân phối - những người luôn cho rằng đồng hồ kết hợp chất liệu vàng đã lỗi thời. Họ yêu cầu chúng tôi thiết kế dòng đeo tay bằng thép không gỉ để phù hợp hơn với lối sống hiện đại. Do đó, chúng tôi đã chế tác mẫu vừa cá tính, vừa phong cách, dễ dàng phối với trang phục buổi tối lẫn hoạt động hàng ngày của phái mạnh có gu thẩm mỹ cao".

Trước bài toán đầy thử thách, rủi ro có thể khiến danh tiếng của Audemars Piguet bị hủy hoại, Georges Golay đã nghe theo bản năng của mình và hợp tác với Gérald Genta - nhà thiết kế danh tiếng, bảo chứng thành công cho những điều dường như không thể.

Trong cuộc điện thoại lúc 16h ngày 10/4/1970, Georges Golay đã hỏi Genta có dám thiết kế chiếc đồng hồ thể thao chưa từng có từ trước đến nay và phải gửi lại bản vẽ đầu tiên vào sáng hôm sau, để CEO kịp trình bày tại sự kiện Basel Fair. Genta lập tức nhận lời, bắt tay vào công việc. Khi ấy, ông đã hiểu nhầm ý Georges Golay, phác thảo nên phiên bản chống nước đặc biệt tốt, lấy ý tưởng từ hình ảnh người thợ lặn cùng chiếc mũ bảo hiểm ông từng thấy tại hồ Geneva khi còn nhỏ, nhấn vào 8 chiếc chốt trên mũ cùng đường viền cao su giúp bảo vệ.

Từ chiếc mũ lặn, Genta vụt lên ý tưởng đồng hồ thép bát giác ở viền bezel, ghép nối với nhau bằng loạt vít xuyên qua bộ vỏ và cố định bởi ốc ở mặt sau đồng hồ. Nhà sản xuất lý giải, dùng ốc theo hình bát giác đồng nghĩa chúng không thể xoay được từ mặt trên, mà sẽ cố định từ mặt sau, do đó, những chiếc ốc luôn nằm thẳng hàng trên bề mặt Royal Oak.

Chọn thép không gỉ cũng là quyết định mạo hiểm và táo bạo của thương hiệu. Theo đó, chất liệu này cứng hơn vàng, khó chế tác, đòi hỏi những công cụ chuyên biệt và kỹ huật thủ công hoàn thiện tương tự vàng. Chỉ riêng phần dây kim loại có đến 154 chi tiết, 20 liên kết nhỏ khác... biến nó trở thành một trong những dây phức tạp nhất trong lịch sử chế tác đồng hồ. Nếu quan sát kỹ bề mặt Royal Oak, giới mộ điệu sẽ nhận ra sự đan xen tinh tế, tương phản giữa các đường vát được đánh bóng và chải bằng satin, tôn vẻ sống động trên cổ tay.

Sự ra đời của mặt số Tapisserie cũng khá thú vị. Gérald Genta tìm đến Roland Tille - trưởng bộ phận thiết kế nhà sản xuất mặt số Stern Frères - người đã giới thiệu cỗ máy chạm khắc họa tiết Guilloché đặc thù mà ông vừa may mắn sở hữu, cùng với đó là 300 bản mẫu đi kèm máy, mỗi mẫu có thiết kế khác biệt. Từ đó, mẫu T21 (viết tắt của Tapisserie 21) được chọn cho Royal Oak và đổi tên thành Petite Tapisserie. Họa tiết bắt mắt với hàng trăm kim tự tháp nhỏ cắt ngắn, nhấn vào hàng chục nghìn lỗ hình kim cương nhỏ, tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo.

Để trang bị cho chiếc Royal Oak tương lai, thương hiệu Audemars Piguet và nhà thiết kế Gérald Genta đã chọn bộ máy tự lên dây cót bằng cơ học mỏng nhất thế giới: Calibre 2121 có nguồn gốc từ chiếc 2120, ra đời năm 1967 từ sự hợp tác của ba công ty nổi tiếng, tạo các liên kết chặt chẽ cả về sản xuất lẫn phân phối (LeCoultre - Cie, Audemars Piguet và Vacheron Constantin). Với độ dày 3,05 mm và đường kính 28 mm, bộ máy có độ tin cậy và đề kháng ấn tượng.

Royal Oak ra mắt thế giới lần đầu tại triển lãm Basel Fair tháng 4/1972, đem đến nhiều cảm xúc tích cực lẫn chỉ trích. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của hãng năm ấy đạt 490 chiếc - kỷ lục với Audemars Piguet, đánh dấu sự khởi đầu thành công và ổn định.

Trong bốn năm, Audemars Piguet rất thận trọng, chỉ sản xuất duy nhất mẫu 5402 danh tiếng. Phải đến năm 1976, chiếc Royal Oak dành cho phái nữ, do Jacqueline Dimier thiết kế, mới được tung ra thị trường, kích thước 29 mm (mẫu 8638). Năm 1977, Royal Oak bổ sung thêm phiên bản vàng đầu tiên lẫn kích thước trung bình.

Kể từ đó, Royal Oak đã đưa cỗ máy đeo tay thoát khỏi lớp áo giáp thép, trở thành nhà tiên phong với nhiều dấu ấn. 50 năm sau, 550 biến thể đã ra đời, dần trở thành biểu tượng của ngành đồng hồ đương đại.

Nhằm tri ân hơn 50 năm đổi mới không ngừng, các mẫu Royal Oak mới đánh dấu cột mốc quan trọng khác, vượt qua xu hướng thời đại. Các mẫu năm 2022 hướng đến khía cạnh sáng tạo, kỹ thuật mới với loạt thiết kế tinh tế, kết hợp nhiều vật liệu và bộ máy tiên tiến.

Những cải tiến này phù hợp với đường lối phát triển, sự đổi mới liên tục của Audemars Piguet, cho phép thương hiệu đẩy mạnh giới hạn thiết kế và khả năng làm chủ mọi kỹ thuật chế tác qua nhiều thế hệ. Ngoài chào đón các bộ máy mới, hầu hết phiên bản mới trang bị thêm con lắc dao động được khắc dòng “50 năm” nhân dịp đặc biệt. Pha trộn giữa truyền thống với công nghệ hiện đại, những thiết kế này tiếp tục thu hút giới mộ điệu Royal Oak nguyên bản từ năm 1972.

Audemars Piguet mở màn lễ kỷ niệm 50 năm Royal Oak ra đời bằng thế hệ mới “Jumbo” Extra-Thin 39 mm, trang bị bộ chuyển động siêu mỏng tự lên dây cót mới, Calibre 7121, mang lại hiệu suất, độ tin cậy cao và thiết kế chuyển động đương đại.

Bước ngoặt khác với bộ sưu tập Royal Oak là sự xuất hiện của mẫu Royal Oak Extra Thin Selfwinding Flying Tourbillon - chiếc flying tourbillon đầu tiên đặt trong bộ vỏ “Jumbo” siêu mỏng 39 mm. Với tầm nhìn về tương lai, lồng flying tourbillon hiển thị thoáng qua về công nghệ đang hoạt động bên trong. Xa hơn nữa, mẫu này sẽ sớm bổ sung thêm phiên bản đường kính 37 mm - đánh dấu lần đầu thương hiệu sản xuất kích thước này.

Nhờ sự đổi mới không ngừng về thiết kế trong khi vẫn giữ tính thẩm mỹ nguyên bản, dòng Royal Oak trở thành biểu tượng của Audemars Piguet góp phần mang lại tinh hoa ngành chế tác đồng hồ.

Ảnh: Audemars Piguet

Kỹ thuật: Tiến Đinh