Ý kiến của TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế nêu tại tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế" sáng 23/9.
Bà cho biết tại Việt Nam, các ứng dụng AI đã được triển khai trong thực tế tại một số bệnh viện, hỗ trợ các bác sỹ phát hiện các tổn thương của phổi, bệnh lý của ung thư vú trên ảnh X-quang. Trong điều trị bệnh, hệ thống hỗ trợ các phác đồ trong điều trị 13 loại bệnh ung thư, ứng dụng tại bệnh viện K, bệnh viện Ung bướu...
Khẳng định AI hỗ trợ đắc lực cho các bác sỹ trong chẩn đoán và điều trị bệnh, TS Oanh cũng chỉ ra những tiền đề quan trọng và khung pháp lý ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam.
Trước hết cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông minh để sẵn sàng phát triển các phần mềm hiện đại. Tiếp đến là xây dựng nền tảng dữ liệu trong đó xây dựng phần mềm về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử tại bệnh viện.
"Đặc biệt, dữ liệu y tế vẫn phải được con người, sàng lọc để chuẩn hóa, kiểm soát và đảm bảo chất lượng", bà nói và lấy dẫn chứng về dữ liệu một nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh của Viện sau khi được hai bác sĩ tại Việt Nam kiểm tra, tiếp tục gửi tới Australia để sàng lọc lại, khi có dữ liệu chất lượng rồi thì mới đưa ra các thuật toán để ứng dụng.
Theo bà, AI tạo ra hiệu quả nhưng cũng đặt ra vấn đề đạo đức bác sỹ trong bảo vệ quyền riêng tư và vấn đề an toàn của người bệnh nếu xảy ra xác suất gây lỗi, gây hậu quả thực tế. Vấn đề này cần được tính toán và có quy định chịu trách nhiệm rõ để bảo vệ quyền lợi người bệnh.
"Để ứng dụng một cách hiệu quả, AI cần được cấp phép chất lượng và khung pháp lý cho phép được coi như một loại dịch vụ y tế, trong đó ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể về mặt chuyên môn, quy trình để đảm bảo tương tác, phân định nhiệm vụ rõ ràng giữa bác sĩ và bệnh nhân", bà Oanh nhấn mạnh.
Từ tháng 10/2019, Bộ Y tế đã quyết định ban hành đề án ứng dụng và phát triển công nghệ y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, gồm xác định rõ mục tiêu ứng dụng các công nghệ số để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và hỗ trợ người dân thông tin y tế để có thể chủ động trong chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Ngoài ra, trong chương trình kinh tế trọng điểm quốc gia KC- 4.0 (giai đoạn 2019-2025) của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được các đề xuất hỗ trợ nghiên cứu trong ứng dụng AI vào y tế về mô hình điều trị bệnh nhi, in 3D, ảnh y tế, dữ liệu giải trình tự gene, từ đó giúp xây dựng chiến lược AI để tạo ra định hướng quốc gia trong lĩnh vực mới.
Trước cơ hội ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực trong y tế tại Việt Nam, TS Oanh gợi ý hướng phát triển tiếp theo của AI với vai trò cung ứng dịch vụ y tế cộng đồng, như quản lý theo dõi sức khỏe cá nhân để thực hiện lối sống lành mạnh, giảm thiểu các yếu tố gây bệnh ung thư, tim mạnh, hướng phát hiện sớm các loại bệnh giúp giảm chi phí điều trị và kéo dài sự sống người bệnh. AI cũng có thể hỗ trợ người bệnh mạn tính tuân thủ dùng thuốc, theo dõi diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra cảnh báo cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ bác sĩ đưa ra các bước điều trị kịp thời.
Nguyễn Xuân