"Đó là trang phục dành cho những dịp chính thức và được khoác trong các sự kiện trọng đại. Đó là buổi lễ trọng đại của Messi", Hassan Al Thawadi, tổng thư ký ban tổ chức World Cup của Qatar, phát biểu hôm 19/12.
Bình luận của ông Hassan được đưa ra giữa những tranh cãi sau khi tiền đạo Argentina Lionel Messi được Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani khoác áo choàng Hồi giáo khi nhận cúp vô địch World Cup 2022 hôm 18/12.
Người Arab khen ngợi đây là động thái tôn vinh văn hóa nước chủ nhà, trong khi một số nhà bình luận cho rằng hành động khoác áo choàng khiến áo đấu của Messi bị che đi.
"World Cup là cơ hội giới thiệu với thế giới nền văn hóa Arab và Hồi giáo của chúng tôi. Đây không phải về Qatar, mà là sự kiện lớn của khu vực", ông Hassan nói thêm. "Mọi người từ các tầng lớp xã hội khác nhau đã có thể đến, trải nghiệm những gì diễn ra ở đây và hiểu rằng chúng ta có thể không đồng quan điểm về mọi thứ, nhưng chúng ta vẫn có thể chúc mừng nhau".
Áo choàng Hồi giáo, còn gọi là áo bisht, có nguồn gốc từ hàng nghìn năm trước tại các nước Arab. Người Hồi giáo thường mặc chiếc áo choàng này trong các dịp trọng đại như đám cưới hay lễ Eid, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan.
Loại áo choàng này thường gắn liền với biểu tượng của quyền lực, bởi đây là trang phục mà các thành viên hoàng gia, quan chức và giáo sĩ Hồi giáo hay mặc.
Sau trận chung kết hôm 18/12, Tiểu vương Tamim đăng Twitter rằng Qatar đã hoàn thành lời hứa World Cup của mình. "Chúng tôi đã thực hiện lời hứa tổ chức giải đấu đặc biệt, tạo cơ hội cho mọi người trên thế giới hiểu thêm về sự phong phú của nền văn hóa Arab cũng như nguồn gốc các giá trị của chúng tôi", ông viết.
Huyền Lê (Theo BBC Sport, Mirror)