Thông tin nêu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VFTE 2023, ngày 11/12. Chương trình lần thứ năm diễn ra tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện có chủ đề "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Báo VnExpress phối hợp tổ chức.
Cuối phiên sáng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có bài phát biểu kéo dài hơn 10 phút, đánh giá cao các hiến kế từ doanh nghiệp công nghệ cũng như nêu tầm nhìn của Chính phủ về ngành kinh tế số.
VFTE tạo động lực cho nền kinh tế số
Mở đầu phần phát biểu, Phó thủ tướng đánh giá VFTE là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, diễn ra một ngày trước 12/12 - ngày tôn vinh doanh nhân kinh tế số, những người lính đi đầu trong thời đại ngày nay. Bối cảnh hiện nay có những chuyển đổi hết sức quan trọng, đất nước có hùng cường hay không, có sánh vai cùng bạn bè năm châu hay không, phụ thuộc vào đội ngũ này. Diễn đàn cũng là dịp để Chính phủ, các nhà quản lý, đặc biệt là xã hội có thể tôn vinh, chúc mừng đội ngũ doanh nhân kinh tế số.
Phó thủ tướng cho rằng những bài phát phát biểu, tham luận trong chương trình mang đến hiến kế cho cả cộng đồng doanh nghiệp kinh tế số và cơ quan Nhà nước, cũng như các lĩnh vực khác tìm ra động lực mới. Nguồn động lực này giúp thay thế nguồn tài nguyên của nền kinh tế truyền thống trước đây, đó là tài nguyên thiên nhiên, sự thuận lợi nhân công giá rẻ, ưu đãi liên quan thuế hoặc lao động chủ yếu gia công. Lần này, cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Hiện nay, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta có nhiều cơ hội quý và quyền kỳ vọng về sự phát triển trong tương lai. Phó thủ tướng liên tục nhấn mạnh, đây là cơ hội "hiếm hoi" vì những nước đang phát triển, đi sau có thể đuổi kịp, dẫn đầu và đi tắt đón đầu. Ông nhấn mạnh, "đi tắt đón đầu" đã thành công trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
"Diễn đàn tạo ra không khí hết sức đặc biệt, khẳng định chúng ta sẽ có sự đột phá với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế số là những người đang tiên phong trong đổi mới sáng tạo của chúng ta", Phó thủ tướng nêu rõ.
Tiếp nối, Phó thủ tướng gửi lời cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn chủ đề ý nghĩa cho năm nay "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động". Ông nói chủ đề này nêu rõ về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, dẫn đầu là doanh nghiệp kinh tế số cùng khoa học công nghệ tạo chìa khóa để chúng ta phát triển.
Giải thưởng Make in Viet Nam trao cho 43 đơn vị, tạo động lực, tinh thần, đóng góp cho đổi mới ở nhiều lĩnh vực khác trong ứng dụng công nghệ số.
"Việt Nam có uy tín, vị thế như thế nào với thế giới đều xác lập bởi doanh nghiệp, kinh tế số", ông khẳng định.
Khát vọng của thế hệ tương lai tiếp tục khẳng định niềm tin Việt Nam sẽ hướng tới lĩnh vực kinh tế số, xác định vị thế, hạnh phúc, hùng cường trong tương lai. Công nghệ số, sáng tạo số trải dài trên những công nghệ như Internet vạn vật, AI, vi mạch bán dẫn, có mặt trong mọi mặt đời sống, từ giáo dục, y tế đến thương mại, giao thông... Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của kinh tế số, tiềm năng đầu ra còn nhiều dư địa lớn.
Trụ cột phát triển nền kinh tế số
Phó thủ tướng đi sâu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là xây dựng thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số, tác động sâu mọi mặt đời sống. Thế giới hiện có nhiều công nghệ sáng tạo, cốt lõi: Big Data, Cloud, AI, chuỗi khối, IoT...; tạo sự thay đổi căn bản, sâu sắc trên phạm vi rộng lớn. Những bước đi này đang xóa nhòa khoảng cách địa lý, loại bỏ ưu thế của các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh truyền thống trước đây.
Điều này đang tạo ra những doanh nhân, những người đi đầu trên thế giới. Qua liệt kê, Việt Nam đều có mặt ở các lĩnh vực mang tính chiến lược, mũi nhọn. Vì vậy những chuyên gia có mặt tại diễn đàn hôm nay có thể trở thành những tên tuổi tầm cỡ thế giới, chúng ta có quyền tin tưởng điều đó.
Từ bối cảnh đó, ông Trần Hồng Hà phân tích: khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hai trụ cột quan trọng, đóng góp vào nền kinh tế số. Đây là nguồn tài nguyên vô tận sáng tạo, hình thành từ tư duy trí tuệ con người; nhưng sẽ không lối thoát nếu giữ mô hình kinh tế như hiện nay (dựa vào tài nguyên thiên nhiên).
"Kho báu hiện nay không phải tài nguyên thiên nhiên mà là dữ liệu về tài nguyên số, kinh tế số cùng với kinh tế tri thức. Tôi nhắc lại lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói: kinh tế tri thức xuất phát từ gen truyền thống. Con người Việt Nam may mắn có gen, có truyền thống ham học", Phó thủ tướng khẳng định.
Ông nối tiếp cách ví von mà các lãnh đạo nêu trong phiên sáng: những người dùng đũa không chỉ khéo tay mà còn thông minh. Trong cuộc cách mạng này, nguồn nhân lực Việt có thể kéo lại ưu thế bằng một đội ngũ sung sức, nhiều khát vọng.
Theo Phó thủ tướng, thế giới đang dịch chuyển sang hai xu thế: nền kinh tế tri thức - tri thức con người cộng với chuyển đổi số, biến dữ liệu thành tài nguyên mới, nguồn tài sản vô tận; cách mạng thứ hai là chuyển đổi xanh dựa vào công nghệ số để quản trị.
Nhìn lại ba cuộc các mạng công nghiệp đã qua, Việt Nam có những điều tận dụng được nhưng sự thay đổi chưa thực sự lớn. Vì vậy trong bối cảnh công nghiệp 4.0, chúng ta cần có quyết tâm cao, tận dụng các cơ hội. Ông nói đây là may mắn vì chúng ta có nhiều ưu thế, tiềm năng trong lĩnh vực này. Điều cần có là tầm nhìn để Việt Nam có sự khác biệt, đây cũng là đề bài ông Trần Hồng Hà nêu lên với những đơn vị tham gia diễn đàn.
Chính phủ Việt Nam cũng xác định kinh tế số gồm ba vấn đề trọng tâm: không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nhân lực số. Trong đó, công nghệ và tài nguyên mới là dữ liệu số.
Ba vấn đề này tạo ra động lực, thiếu một trong ba trụ cột rất khó để phát triển. Hệ sinh thái số hình thành dựa trên những quy trình: thiết kế, xây dựng từ dữ liệu nền tảng, từng bước số hóa hoạt động kinh tế - xã hội và lộ trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động. Thực tế chứng minh, ngay chính trong sự khó khăn của Covid-19 đã làm nên cú huých để kinh tế số, chuyển đổi số đi nhanh hơn. Chính những biến cố tạo ra áp lực, giúp chúng ta mạnh hơn, tận dụng cơ hội tốt hơn. Những bài học này cần tận dụng nó để nhìn thấy hai mặt của quá trình chuyển đổi này.
Dấu ấn nền kinh tế số Việt Nam
Năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, đến năm nay, con số ước tính khoảng 150-163 tỷ USD. Doanh thu xuất khẩu phần mềm 2019 chưa đầy 5 tỷ USD, đến 2023 trên 7 tỷ USD. Điều này khẳng định giá trị và đóng góp lợi nhuận mang lại từ tri thức.
Phó thủ tướng nói, qua báo cáo hôm nay cho thấy nền kinh tế số không chỉ chủ yếu gia công mà thực sự đã có Make in Viet Nam từ thiết kế, sản xuất và ứng dụng. 170.000 đơn vị đã mang sản phẩm có thương hiệu Việt Nam để cạnh tranh trên toàn cầu.
Ông Trần Hồng Hà tiếp tục nhắc lại lời của Bộ trưởng Mạnh Hùng rằng, sự cạnh tranh ở Việt Nam rất lớn, giữa 273.000 đơn vị - nghĩa là một môi trường cọ xát không thua kém thế giới. Sản phẩm có mặt trên thị trường là thương hiệu của một sự cạnh tranh lành mạnh. Sự cạnh tranh đó đưa chúng ta có những thương hiệu có tên tuổi với thế giới.
Về giải pháp nền tảng số, ông cho biết có những doanh nghiệp Việt đạt một triệu người dùng hàng tháng. Toàn quốc có 44/60 doanh nghiệp cung cấp nền tảng - con số do chính Phó thủ tướng gọi điện đến các doanh nghiệp để xác minh. Trong số 44 đơn vị đó, một số doanh nghiệp có 1-5 triệu người dùng mỗi năm.
"Chúng ta có những kết quả cạnh tranh được với các tập đoàn lớn, đầu tư tỷ USD. Điều này phải nói là sự dũng cảm, chứng minh chúng ta có ưu thế so với tập đoàn nước ngoài", ông phân tích.
Vậy tại sao Việt Nam được ưa chuộng? Theo Phó thủ tướng, chẳng ai hơn chúng ta hiểu về tâm lý, văn hóa, thể chế Việt Nam. Điều này đúng với mọi lĩnh vực, từ logistics, ngân hàng, đô thị đến Chính phủ, sản xuất tự động hóa...
Doanh nghiệp đề xuất, Chính phủ đặt hàng tạo đầu ra
Ở phần cuối bài phát biểu, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: Chính phủ sẽ dẫn dắt, khởi tạo cho kinh tế số hay doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ? Đây là bài toán mà ông cùng các lãnh đạo Chính phủ trăn trở trong nhiều năm. Trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Hồng Hà khẳng định doanh nghiệp đừng chờ Chính phủ "Kick-off" (khởi động) mà cần đề xuất tìm thị trường, trong đó Chính phủ và các ngành, lĩnh vực chính là "bến tiêu dùng".
"Các bạn không cần Chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính hoặc cung cấp diện tích làm việc mà cần đề xuất làm sao nền kinh tế có nhu cầu cung, tức chuyển đổi của cả đất nước. Từ đó các bạn sẽ có đầu ra, giá trị gia tăng trong tất cả lĩnh vực kinh doanh, đời sống", ông nêu.
Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị xây dựng về giải pháp đồng bộ, để tạo ra thị trường, đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Ngược lại, khi doanh nghiệp ra nước ngoài cũng có thể mang những bài học về văn hóa, kinh tế, quản trị của thế giới về để Việt Nam tham khảo, hoàn thiện để nền kinh tế số trong nước phát triển bằng chất xám.
Điều quan trọng nhất trong phát triển sản phẩm, dịch vụ số là tạo bản sắc riêng nhưng vẫn cần có những dự án hợp lực mang tầm quốc gia, "mang chuông" đi đánh ở khu vực và thế giới.
"Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục dùng các nền tảng của ông lớn thế giới hay cùng nhau xây dựng hạ tầng cho cả quốc gia?", ông đặt câu hỏi.
Phó thủ tướng nêu mong muốn có một trung tâm nghiên cứu đủ mạnh. Nếu một doanh nghiệp không làm được thì 1.400 hay chung tay. Đi cùng là một ngôi trường đào tạo bởi những người giỏi nhất, tạo ra những người thầy tiếp theo.
Về sản phẩm, khi đặt ra giá trị riêng biệt thì cần có giá trị phổ quát, tránh đi vào những hoạt động nhóm cảm tính hay chạy theo trào lưu. Như công nghiệp bán dẫn chip, cần dự báo về thị trường như thế nào, ai là người đứng sau quyết định, cần nắm hệ sinh thái chứ không chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu.
Ông Trần Hồng Hà khẳng định, về phía Chính phủ cũng cần làm nhiều công việc như lắng nghe để tạo môi trường pháp lý, trở thành người đặt hàng lớn nhất. Việc tiên phong đặt hàng này sẽ tạo đầu ra giúp doanh nghiệp phát triển. Về tài nguyên số, phải làm sao để mỗi người dân thành người đi nhặt, đóng góp cho kho dữ liệu ấy.
"Chúng ta cần sớm cùng nhau bàn định vấn đề này, tạo ra môi trường rõ ràng, chia sẻ giá trị để mỗi người cùng tham gia, quy định về quyền và nghĩa vụ", ông giải thích.
Cuối cùng, thách thức nhất với mỗi quốc gia là an ninh và quốc phòng. Ông kỳ vọng các đơn vị phát triển giải pháp uy tín, đảm bảo an ninh, quyền dữ liệu cá nhân, an ninh mạng.
"Các doanh nghiệp hiện nay có khí thế tốt, mạnh mẽ, cần giữ niềm tin này để cùng đi cùng đến, đồng hành với nhau trong phát triển kinh tế số", Phó thủ tướng khép lại diễn đàn.
VFTE 2023 kéo dài xuyên suốt ngày 11/12. Chương trình có hai phiên hội thảo, công bố và vinh danh 43 đơn vị tại Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023, triển lãm sản phẩm số nổi bật.
Minh Tú