Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số - VFTE 2022 sáng 8/12 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7% mỗi năm giai đoạn 2020-2030 để có thể thoát bẫy thu nhập trung bình và thoát nghèo. Đây được đánh giá là mục tiêu không đơn giản, và để đạt được mục tiêu này, ông cho rằng cần có các "giải pháp đặc biệt và khát vọng mãnh liệt".
Bên cạnh vấn đề cải thiện thể thể và phát triển nguồn nhân lực, giải pháp được Phó thủ tướng nhấn mạnh là cần tìm ra những cái mới và còn dư địa phát triển. Trong đó, công nghệ số là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều kỳ vọng. "Nếu cứ phát triển ngành truyền thống, không đi vào mũi nhọn mới, trong đó có công nghệ thông tin, làm sao có thể đạt được mức 7%. Các bạn không phải là lực lượng duy nhất, nhưng là lực đặc biệt, một trong những lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc này", ông Đam nói với các doanh nghiệp công nghệ số tại diễn đàn.
Theo Phó thủ tướng, ngành công nghiệp Công nghệ thông tin hiện đã có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với quy mô. Ông dẫn thống kê doanh thu xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm qua đạt 130 tỷ USD, nhưng phần lớn liên quan đến mảng phần cứng và từ doanh nghiệp nước ngoài. Mảng phần mềm, dịch vụ, công nghệ nội dung số đạt dưới 5 tỷ USD, trong khi Việt Nam có hơn 65 nghìn doanh nghiệp công nghệ số.
"Còn dư địa, nhưng chúng ta không nên quá mơ mộng và mục tiêu chỉ đạt được nếu có hành động thật", ông nói. Dư địa phát triển của ngành công nghệ số, theo ông, đến từ cả thị trường trong nước và nước ngoài.
"Hãy mạnh dạn hơn bước ra nước ngoài với tinh thần rất tự tin. Bởi thực ra công nghệ số cũng là vấn đề mới ở các nước", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, khi ra nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện còn phát triển đơn lẻ. Để phát triển, các doanh nghiệp này cần kết nối với nhau thành một đội ngũ, trong đó những doanh nghiệp phát triển lâu năm sẽ là nòng cốt dẫn dắt, kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ số mới."Đây là sức mạnh mà những nước ít dân không thể có", ông nói.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhắc không thể bỏ qua thị trường trong nước. Theo ông, một số doanh nghiệp cho rằng trong nước đã hết thị phần. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt. Ông cũng lấy ví dụ một số bài toán xuất hiện ngay trong cuộc sống như hệ thống chi trả tiền hỗ trợ của nhà nước, hệ thống đèn giao thông thông minh, số hoá du lịch... chưa được doanh nghiệp phát triển hoàn chỉnh.
"Chúng ta làm bài toán mới rất nhanh. Nhưng chỉ được ban đầu, sau đó trục trặc, sản phẩm không trau chuốt để người dùng có thể tuyệt đối tin tưởng. Chúng ta phải thay đổi", ông Đam nói.
Đáp lời Phó thủ tướng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định sẽ xem xét thay đổi thể chế phù hợp, giúp doanh nghiệp số phát triển, kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Lưu Quý