Nghiên cứu khoa học xã hội từng là điều PGS. TS Nông Ngọc Duy (35 tuổi), Viện Nghiên cứu quốc gia Australia (CSIRO), không hề nghĩ tới. Năm 2010 sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia TP HCM, anh đặt chân đến Australia theo học thạc sĩ về Kinh tế lượng tại Đại học New England. Chàng trai gốc Lạng Sơn đi du học theo diện tự túc, ban đầu vốn chỉ là "để mở mang tầm mắt".
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ, anh giành được học bổng tiến sĩ về xây dựng mô hình kinh tế tổng thể và nghiên cứu tác động của chính sách chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học môi trường dần mở ra khi Duy được truyền lửa dưới sự dìu dắt của người thầy -GS Mahinda Siriwardana. Dự án đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu về vấn đề giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Dựa trên các dữ liệu về lượng khí thải nhà sản xuất thải ra môi trường, anh phát triển đánh giá ảnh hưởng của luật thuế cacbon lên nền kinh tế Australia ra sao, sau đó mở rộng mô hình ra các nước như Việt Nam, Nam Phi.
Từ những nghiên cứu gợi mở, Duy nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội tại Australia.
Con đường đến với thành công không trải hoa hồng. Duy kể, những năm đầu theo học chương trình thạc sĩ, để có tiền trang trải anh làm việc nhiều công việc chân tay như đi phát báo, làm nhà hàng, trang trại. Có những ngày rã rời chân tay, có lúc đầu gối như muốn khuỵu xuống đất, nhưng Duy tự nhủ "phải tìm mọi cách nắm lấy cơ hội", anh nhớ về khoảng thời gian đeo trên vai túi báo địa phương nặng 10-15kg đem phát cho một nửa số dân trong vùng đến hai giờ sáng.
Anh tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ, giành được học bổng tiến sĩ, rồi tiếp tục ba năm giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Colorado State (Mỹ) và Đại học Bonn (Đức). Đây là khoảng thời gian TS Duy tham gia vào các dự án đa quốc gia, làm việc cùng nhiều nhà khoa học đến từ các nước như Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo, Mỹ và Canada.
Trong các nghiên cứu, TS Duy đưa ra đánh giá tác động của luật môi trường lên nền kinh tế Australia và các quốc gia khác như Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ hay Nam Phi. Anh chú trọng việc cải tiến các mô hình kinh tế, phương pháp để đưa ra những kết quả tốt nhất nhằm tạo thêm cơ sở dữ liệu và tài liệu tham khảo tin cậy cho công chúng, các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia, chính phủ Australia, và LHQ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
TS Duy cho biết việc đưa ra mô hình và kiểm tra kết quả mất rất nhiều thời gian và công sức, trong đó có việc xây dựng các thuật toán phát triển mô hình để đánh giá chi tiết, chính xác về ảnh hưởng đến các ngành nghề. Có những số liệu và mô hình anh phải mất tới 1,5 năm chỉ để xử lý các số liệu dữ liệu và kiểm tra kết quả. "Sự cẩn thận, tỉ mỉ và những đánh giá cẩn trọng sẽ giúp tiếng nói khoa học được chính xác hơn", anh nói.
Càng đi sâu Duy càng đam mê. Sự nóng lên toàn cầu thôi thúc anh nghiên cứu về hiện tượng băng tan ở Bắc Cực làm ảnh hưởng đến vận tải biển (kèm theo rủi ro vận chuyển thêm động vật xâm hại) và khai thác năng lượng ở vùng biển Bắc Cực đến nền kinh tế Mỹ, các nước châu Âu, châu Á hay khu vực Đông Nam Á như thế nào. Anh cũng chỉ ra hiện tượng băng tan mở ra cơ hội khai thác sản lượng dầu mỏ với trữ lượng lớn, song khuyến cáo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nơi đây và toàn cầu, phá vỡ hệ sinh thái phong phú của vùng cực bắc.
Các đề án của TS Duy còn đưa ra giải quyết vấn đề về nhiên liệu hóa thạch, chính sách năng lượng, rác thải nhựa. Anh tham gia dự án nghiên cứu về việc phát triển khoa học kỹ thuật thúc đẩy nền sản xuất nhựa sinh học. Anh cho biết việc thay thế túi thải nilon sản xuất từ than đá dầu mỏ sang từ thực vật, động vật giúp việc phân hủy rác thải không gây hại cho môi trường.
Những năm gần đây, các nghiên cứu của Duy hướng về Việt Nam nhiều hơn. Trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, an sinh xã hội của đồng bào thiểu số phía Bắc. Anh cùng cộng sự thực hiện khảo sát, đánh giá từ đó đưa ra giải pháp giúp bà con nông dân tăng hiệu quả, chống chọi tốt hơn với các vấn đề thiên tai lũ lụt gây ra do biến đổi khí hậu.
Dự án gần nhất anh phối hợp cùng Đại học Ngoại thương nghiên cứu chính sách về năng lượng sạch, năng lượng hóa thạch ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế hay các hộ gia đình. Trong dự án, anh và các cộng sự nghiên cứu về chính sách buôn bán khí thải giữa Việt Nam và các nước ASEAN và ảnh hưởng của nó lên các nền kinh tế trong khu vực, và việc phát triển sử dụng năng lượng mặt trời ở các hộ gia đình. "Kết quả của dự án có thể là một kênh tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam khi chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này", anh kỳ vọng.
Những ngày này, TS Duy hợp tác với các chuyên gia bên châu Âu để làm dự án cho LHQ liên quan đến khai thác vật liệu như than đá, xi măng, phát triển sản phẩm nông nghiệp và khí thải. Bận rộn với những dự án, anh vẫn dành thời gian kết nối với các bạn trẻ trong nước, hỗ trợ chia sẻ phương pháp nghiên cứu khoa học và cách viết bài báo khoa học.
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đánh giá TS Nông Ngọc Duy là "một trong những hình mẫu cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam, và trường hợp của anh cũng đã cho thấy Việt Nam và Australia có thể kết nối hợp tác giữa hai hệ thống đổi mới sáng tạo như thế nào".
Với những đóng góp quan trọng khi nghiên cứu về biến đổi khí hậu và luật môi trường, TS Nông Ngọc Duy được vinh danh là một trong 5 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất Australia trong lĩnh vực khoa học xã hội năm 2020. Dù khẳng định "ban đầu chỉ làm mọi thứ để tồn tại", anh cho biết với người làm khoa học, sự ghi nhận đó rất đáng trân trọng, là động lực và sự khích lệ lớn để nuôi dưỡng đam mê, đóng góp cho cộng đồng.
PGS. TS Nông Ngọc Duy đang công tác tại Viện Nghiên cứu quốc gia Australia (CSIRO). Anh được phong làm Phó giáo sư tại Đại học Griffith. Nông Ngọc Duy có hơn 30 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí nổi tiếng thế giới và nhiều công bố quốc tế có ảnh hưởng lớn trong khoa học về lĩnh vực môi trường. Trong số đó, có 1/3 nghiên cứu của anh liên quan đến những vấn đề tại Việt Nam.
Nhà khoa học trẻ xuất sắc Australia 2020 là giải thưởng nhằm tôn vinh cá nhân đang công tác tại Australia có những bài báo khoa học xuất sắc trên các tạp chí đầu ngành ở nhiều lĩnh vực. Gương mặt được vinh danh không chỉ dựa trên thành tựu đóng góp giải quyết các vấn đề của Australia, còn tạo ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực kém phát triển.
Như Quỳnh