Ký ức đầu tiên về bóng đá của tôi dính dáng đến đội tuyển Anh, khi tôi cổ vũ Đức ở bán kết World Cup 1990 và Euro 1996. Đức thắng cả hai trận này bằng loạt luân lưu, rồi thẳng tiến đến chức vô địch. Nhưng tương quan hai bên cũng cân bằng.
Tôi bị ấn tượng với năng lượng vô tận của Paul Gascoigne. Ông ấy là nhân vật bi tráng nhất. Năm 1990, Gascoigne bật khóc sau khi nhận thẻ vàng thứ hai, tức sẽ bị treo giò nếu Anh vào chung kết. Năm 1996, pha lao vào của ông ấy còn cách 20cm nữa để có bàn thắng vàng trong hiệp phụ. Gascoigne lao vào tiếp bóng ở cột xa, khoảnh khắc người Đức sẽ nhớ mãi.
Euro 1996 là giải đấu tuyệt vời. Bóng đá ngày đó thật thuần khiết. "Bóng đá trở về nhà", đây là slogan xuất sắc của giải đấu tại Anh, và "Tam Sư" năm đó cũng là bài ca bóng đá cho nhiều thế hệ. Không phải ai cũng dám nói "Bóng đá trở về nhà", nhưng nước Anh thì có. Tất cả cảm nhận được không khí bóng đá nguyên bản tại Old Trafford, Hillsborough, St James’s Park hay Wembley. Bóng đá nên như vậy. Đó là lý do mà ở World Cup 2006 tại Đức, chúng tôi đặt khẩu hiệu "Những câu chuyện của mùa Hè - Cả thế giới sẽ ghé thăm bạn". Nếu có thể làm tốt như vậy tại Euro 2024 trên đất Đức, mọi chuyện sẽ tuyệt vời như năm 1996 và 2006. Tôi đang nỗ lực cho công việc đó với tư cách giám đốc giải đấu này.
Hai nhân vật của Đức vô địch năm 1996 mà tôi ấn tượng nhất là Jurgen Klinsmann và Oliver Bierhoff, người thứ hai hiện là lãnh đội tuyển Đức và là một giám đốc ở LĐBĐ Đức (DFB). Với tuyển Anh, đó là Gareth Southgate, HLV đương nhiệm của "Tam Sư".
Southgate đá hỏng quả penalty quyết định năm 1996 rồi sau đó tự giễu bản thân trong một video quảng cáo cho Pizza Hut. Tôi bị ấn tượng với cách ông ấy nhận trách nhiệm với tư cách HLV ĐTQG lúc này, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ, và phát triển đội bóng. Năm 2018, Southgate đã đưa tuyển Anh đến bán kết World Cup. Mọi người đều cảm thấy ông ấy muốn làm được nhiều hơn.
Tuyển Anh liệu sẽ đoạt một danh hiệu nào đó? Họ đang có nhiều yếu tố để đạt được. Raheem Sterling, Mason Mount, Phil Foden, Marcus Rashford và Jadon Sancho vẫn còn trẻ, là những cầu thủ tài năng và xem họ đá bóng thật mãn nhãn. Những tài năng này có thể ghi dấu ấn tại đội tuyển quốc gia trong tương lai, cũng như giành được nhiều danh hiệu.
Với tuyển Đức, kỷ nguyên của Joachim Low đã đến hồi kết, nhưng những câu hỏi cũng tương tự với tuyển Anh. Chúng ta có thể chê bai quyết định gọi lại Mats Hummels và Thomas Mueller của ông ấy nhưng không thể ngó lơ trước thế hệ mới đang dần trưởng thành. Joshua Kimmich, Kai Havertz, Leon Goretzka, Serge Gnabry, Leroy Sane hay Timo Werner sẽ là những người mang đến thành công cho đội tuyển dù điều đó vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Có một điểm chung nữa giữa hai đội: Sự đa dạng. Đây là một phẩm chất có thể phát huy tác dụng.
Tôi từng đối đầu tuyển Anh thời cầu thủ. Năm 2007, Đức thắng 2-1 tại Wembley trong một trận giao hữu. Tôi là một cầu thủ trẻ được phép đeo băng đội trưởng lần đầu, nhận nó từ Bernd Schneider ở phút 90. Low hôm đó dùng tôi ở vị trí tiền vệ trung tâm như một phép thử. Điều này thật thú vị vì tôi đã học chơi vị trí này khi đá ở đội trẻ Bayern. Tôi trải qua phần lớn sự nghiệp ở vị trí hậu vệ cánh. Kimmich tương tự tôi. Cậu ấy không phải một cầu thủ tấn công bẩm sinh, vì thế tôi cho rằng cậu ấy hợp hơn với vai trò điều phối ở trung tâm.
Trong thắng lợi 4-1 trước Anh ở vòng 1/8 World Cup 2010 trên đất Nam Phi, chúng tôi khám phá ra mình có thể mạnh mẽ nhường nào. Đức lúc đó chưa phải một đội trưởng thành, nhưng lần đầu tiên, chúng tôi cho thấy tiềm năng của mình, thứ giúp đội đăng quang ở Brazil bốn năm sau đó.
Trận đó, như tất cả những trận khác giữa hai đội tuyển bóng đá xuất chúng này, có thể đã có kết quả khác. Bàn thắng của Frank Lampard là rõ ràng, nhưng không được công nhận. Ngày nay, chúng ta có công nghệ goal line để ngăn không cho chuyện đó tái diễn. Tôi đánh giá cao sự trợ giúp của kỹ thuật số trong bóng đá nhưng chỉ nên dừng ở mức độ hỗ trợ, thay vì như VAR - thứ chuyển giao trách nhiệm con người sang cho máy móc.
Chuyện gì sẽ xảy ra tại Wembley? Hai đội bóng gặp nhau ở cùng một giai đoạn xây dựng đội hình. Đức và Anh là kỳ phùng địch thủ nhưng lại đang chơi thứ bóng đá tương đồng. Phong cách hai đội không thuần chất như Italy hay Tây Ban Nha. Cả hai đá tự do và khó đoán. Tuy nhiên, tuyển Anh đang ổn định hơn tuyển Đức, sự cân bằng giữa công và thủ tốt hơn. Hiệu số bàn thắng bại của Anh ở vòng bảng (ghi 2 bàn, không thủng lưới) cho thấy điều này. Nó có thể dẫn đến việc họ chơi chậm rãi và không vội vàng, khác với Đức - đội ghi sáu bàn, thủng lưới năm ở Euro lần này - và trông chờ vào sự tỏa sáng của các cá nhân.
Vì thế, trận đấu giữa hai "băng nhóm trẻ trung" này sẽ rất thú vị. Và dĩ nhiên, nó là sự kiện cảm xúc cho fan bóng đá trên khắp hành tinh.
Đỗ Hiếu dịch