Nếu hai năm trước, Việt Nam đã may mắn, khi cú đánh đầu của cầu thủ Afghanistan ở phút 85 đưa bóng vào cột dọc, thì hôm qua đội bóng của HLV Park không cần điều đó. Chiếc thẻ đỏ của cầu thủ UAE ở phút 37 không phải là may mắn. Nó chỉ củng cố ưu thế chơi bóng của Việt Nam. Trước và sau khi UAE bị đuổi người, Việt Nam vẫn không có sự biến đổi lớn nào về lối chơi hay thời gian kiểm soát bóng. Số lượng cơ hội tạo ra cũng không tăng đột biến. Có vẻ như 1-0 là kết quả vừa đủ với những toan tính của HLV Park ngay từ đầu trận.
Ông là bậc thầy về việc chuẩn bị kế hoạch cho mỗi trận đấu, đó không còn là điều phải bàn. Chỉ có điều, không ai biết ông làm điều đó ra sao. Vì mục tiêu chiến thắng, ông thậm chí còn có thể "đánh lừa" chính những người Việt Nam am hiểu về đội tuyển, và điều đó, khiến một trong những người giàu kinh nghiệm về chiến thuật như Bert van Marwijk cũng hoàn toàn bất ngờ.
Trường hợp của ba cầu thủ U22 được đôn lên đội tuyển vào giờ chót là điển hình thú vị. Với các HLV chuyên nghiệp, việc "vừa bế em vừa xay lúa" cùng lúc hai đội tuyển luôn bị xem là một bất lợi. Với HLV Park thì không. Ông cho họ tập chung, đấu chung, trộn luôn cả hai đội hình và không cần thêm một trận giao hữu với "người ngoài" nào cả. Ông vẫn giữ Anh Đức trên đội tuyển, nhưng đẩy Tiến Linh xuống đội trẻ. CĐV Việt Nam dự đoán Tiến Linh sẽ được dùng nhưng với các "do thám" của UAE hay Thái Lan có lẽ sẽ không thể nghĩ đến việc Tiến Linh, Trọng Hùng và Hoàng Đức lại được bổ sung vào giờ chót. Hai trong ba con người đó đã vào sân đá với UAE, trong đó Tiến Linh đá chính và ghi bàn duy nhất. Đến trận đấu với Thái Lan, có thể Hoàng Đức sẽ là nhân vật đáng chú ý và biết đâu, Trọng Hùng lại là ẩn số như Phan Văn Đức của năm 2018.
Ba cầu thủ U22 có mặt trên tuyển chắc chắn là sự chuẩn bị đã có từ trước của HLV Park nếu chúng ta liên kết với màn đổi số áo của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Một công việc cực kỳ nhạy cảm với các đội bóng hàng đầu nhưng lại diễn ra một cách nhẹ nhàng trong tập thể của ông.
Ngoại trừ các vị trí hầu như bất biến (có đổi số áo cũng không tác dụng) gồm thủ môn Văn Lâm và năm hậu vệ cùng tiền vệ Quang Hải, thì ở trận đấu UAE, HLV Park đổi một loạt số áo. Với người hâm mộ Việt Nam, có lẽ ít người quan tâm đến chi tiết ấy bởi quá quen thuộc với các cầu thủ. Nhưng với một UAE chỉ nghiên cứu Việt Nam qua băng ghi hình, thì số áo là cách dễ nhất để họ nắm được cách vận hành chiến thuật của đối phương. Nhưng với cách đổi số áo của ông Park, thì Bert van Marwijk có lẽ cũng phải sốc.
Cầu thủ đá thấp nhất trong hàng tiền vệ là Đỗ Hùng Dũng mang áo số 9, số áo của tiền đạo Văn Toàn. Nếu để ý kỹ, thì dáng vóc của hai cầu thủ này tương đối giống nhau. Bản thân Hùng Dũng ở các trận đấu trước cũng thường xâm nhập vòng cấm. Tiền vệ Tuấn Anh trận đấu với UAE chuyển sang mặc áo số 21 và áo số 14 trở thành của Văn Toàn. Áo số 21 vốn dĩ thường thuộc về Nguyễn Thành Chung, từ đầu vòng loại đến nay chưa có phút nào trên sân. Trong khi đó, Tiến Linh lại bất ngờ xuất hiện với chiếc áo số 22. Đây là số áo của Tiến Linh ở AFF Cup 2018. Tại vòng loại World Cup, anh được đăng ký số áo quen thuộc đối với một tiền đạo là 18 và đã chơi hai trận cùng một bàn thắng vào lưới Indonesia trong trận gần nhất. Số áo 22 mà Tiến Linh vừa mặc vốn thuộc về... thủ môn số 3 Phạm Văn Cường, người có bề ngoài hao hao Tiến Linh. Câu chuyện số áo – nhận dạng này cũng có thể thấy qua trường hợp của Nguyễn Hoàng Đức, người được trao áo số 6 của Lương Xuân Trường. Họ cũng có chút tương đồng vị trí, hình thể, gương mặt...
Đổi số áo không đơn thuần chỉ là một "mẹo" đánh lừa đối phương. Đằng sau đó lại là câu chuyện về sức mạnh của một đội tuyển. Đa số những người được đổi số áo đều đã tập trung rất lâu dưới thời ông Park, mỗi người được "định danh" với số áo yêu thích của mình. Việc đổi số áo, ở vài trường hợp, có thể gây ra xào xáo nội bộ. Nhưng ở đội tuyển của ông Park, không thấy bất kỳ điều bất thường nào.
Đấy là điều tuyệt vời nhất của tập thể mà ông Park xây dựng. Những ai sẵn sàng tuân thủ mọi yêu cầu, dù là tiểu tiết ấy, chắc chắn cũng sẽ thực hiện chính xác từng milimet yêu cầu chiến thuật. Tính kỷ luật ấy là nền tảng của mọi chiến thắng. Muốn tạo ra bất ngờ, có khi chỉ cần vài thời điểm thăng hoa, nhưng muốn đạt được mục đích và đi thật xa, phải có tính kỷ luật.
Đến lúc này, mọi tính toán của HLV Park gần như hoàn hảo. Trong cuộc họp báo sau trận, ông khẳng định không bất ngờ khi Malaysia thắng Thái Lan, vì có lẽ ông biết các kết quả như vậy chắc chắn sẽ xảy ra ở bảng đấu này. Tại bảng G, ba điểm là mục tiêu cuối cùng. Thắng với tỷ số nào không quan trọng vì tính chất 50-50 của những cặp đấu. Thực tế, các cặp đấu giữa Việt Nam, UAE, Thái Lan và Malaysia đều chỉ có cách biệt tối thiểu. Cơ hội vẫn chia đều cho tất cả các đội.
Malaysia từ chỗ tưởng là đã hết hy vọng, chỉ cần thắng Thái Lan thì ngay lập tức quay lại cuộc đua đầu bảng. Họ sẽ vươn lên nhì bảng nếu lượt trận ngày 19/11 đánh bại Indonesia trên sân nhà, còn Việt Nam – Thái Lan có tỷ số hòa. Ngoài Indonesia, các đội bóng đều nhận thức rất rõ chỉ có ngôi đầu bảng mới bảo đảm việc vào vòng loại cuối cùng.
Đấy là lý do mà ông Park chỉ tính đến chiến thắng chứ không quan tâm đến tỷ số là bao nhiêu. Cách nhìn nhận ấy đang đem đến cho đội truyển Việt Nam mọi lợi thế có thể. Với 10 điểm, đội bóng của ông chỉ cần giải quyết thật tốt hai trận sân nhà còn lại trước Thái Lan và Indonesia là sẽ chắc chắn có một vé đi tiếp. Ông Park đang nắm mọi ưu thế về tâm lý. Ông đã đẩy những đối thủ của mình vào một trạng thái buộc phải thắng Việt Nam nhưng không biết phải làm cách nào.
Cánh cửa dự World Cup vẫn còn rất xa nhưng có một điều không còn gì bàn cãi: Việt Nam đang đứng đầu bảng G, đang là đội có điểm số tốt thứ năm trong 40 đội bóng dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Chỉ như vậy cũng khiến người hâm mộ ngạt thở vì tự hào.
Song Việt