Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Anh Piers Morgan công bố ngày 4/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng "ngồi cùng 4 bên tham gia đàm phán" khi được hỏi ông sẽ cảm thấy thế nào nếu ngồi đối diện Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lãnh đạo Ukraine không nêu rõ 4 bên, nhưng nhà báo Morgan trước đó nói về cuộc đàm phán giả định giữa Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
"Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó, nếu đây là cách duy nhất mang lại hòa bình cho người dân Ukraine và không mất thêm ai nữa. Tôi sẽ không tử tế với ông Putin, tôi xem ông ấy là kẻ thù. Thành thật mà nói, tôi nghĩ ông ấy cũng coi tôi là kẻ thù", ông Zelensky cho hay.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine đã sẵn sàng chấm dứt "giai đoạn nóng" của xung đột, thừa nhận Kiev khó có thể lấy lại được một số khu vực đã mất. "Chúng tôi sẽ nói chuyện với ông Putin. Bản thân cuộc đối thoại đó đã là một sự thỏa hiệp", ông cho hay, nhấn mạnh Kiev vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Moskva.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh nhiều người đang mong đợi Kiev và Moskva bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự, nhưng triển vọng hòa đàm dường như vẫn còn xa vời. Giao tranh cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ giúp đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng ngay sau khi nhậm chức.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin.
Tổng thống Putin ngày 28/1 cho biết Nga có thể tổ chức đàm phán hòa bình nhưng bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với ông Zelensky, cho rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine đã kết thúc và "ông ấy đang nắm quyền bất hợp pháp".
Nga từ lâu cho rằng Tổng thống Zelensky không còn thẩm quyền pháp lý vì nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào tháng 5/2024 và chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào được tổ chức từ đó đến nay ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Ukraine khẳng định ông Zelensky vẫn là tổng thống hợp pháp vì lệnh thiết quân luật có hiệu lực từ khi bùng phát xung đột và tình hình không cho phép tổ chức bầu cử.
Nhiều quan chức Ukraine và EU lo ngại ông Trump sẽ buộc Kiev chấp nhận nhiều nhượng bộ để chấm dứt chiến sự. Ông Zelensky nhấn mạnh rằng NATO kết nạp Ukraine vẫn là cách tốt nhất nhằm chấm dứt giao tranh và bảo đảm an ninh lâu dài cho nước này.
Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột với Nga. Ukraine đưa mục tiêu này vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng NATO triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO từ tháng 9/2022, hơn nửa năm sau khi chiến sự bùng nổ. Tại hội nghị thượng đỉnh cuối năm 2024 ở Washington, các nước NATO ra tuyên bố chung khẳng định tương lai kết nạp Ukraine là "không thể đảo ngược", song vẫn chưa gửi lời mời gia nhập đến Kiev.
Tổng thống Trump tháng trước chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine gia nhập NATO, ám chỉ đây là nguyên nhân khiến Nga mở chiến dịch tại quốc gia láng giềng.
Huyền Lê (Theo AFP, Kyiv Independent)