Hai ngày sau cuộc vận động tranh cử bị coi là "thảm họa" tại Madison Square Garden, thành phố New York, nhiều đồng minh, chiến lược gia đảng Cộng hòa hối thúc cựu tổng thống Donald Trump lên tiếng xin lỗi và chỉ trích những phát biểu phân biệt chủng tộc, tục tĩu và gây chia rẽ mà các diễn giả đưa ra tại sự kiện.
Tuy nhiên, phát biểu trước những người ủng hộ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida tối 29/10, ông Trump lại phản ứng ngược lại, khẳng định "chưa có sự kiện nào thành công như thế" và ông "rất vinh dự là một phần trong đó".
"Không khí yêu thương tràn ngập khán phòng, rất ngoạn mục", ông nói. "Sự kiện như một lễ hội tình yêu, tràn ngập tình yêu".
Cuộc vận động tối 27/10 ở New York bị coi là một bê bối của ông Trump trước thềm bầu cử, khi diễn viên hài Tony Hinchcliffe, 40 tuổi, gọi Puerto Rico là "hòn đảo đầy rác rưởi trôi nổi giữa đại dương", khiến cộng đồng người Mỹ gốc Puerto Rico ở bang chiến trường Pennsylvania rất phẫn nộ.
Hinchcliffe còn đưa ra những phát biểu khiếm nhã về cộng đồng người da đen và Latin, châm ngòi làn sóng chỉ trích và giận dữ lan rộng tới mức đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump phải nhanh chóng tuyên bố đây chỉ là lời nói đùa của nam diễn viên, không phản ánh quan điểm của ông Trump hay chiến dịch.
Các diễn giả khác tại sự kiện còn đưa ra lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ Latin, người da đen, người Do Thái, người Palestine, hay phát ngôn lăng mạ giới tính đối thủ phe Dân chủ của ông Trump là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Phó tổng thống Kamala Harris.
Sự kiện khiến đồng minh của ông Trump lo ngại gây ảnh hưởng xấu ở một số bang chiến trường quan trọng, nơi cử tri gốc Puerto Rico và gốc Latin có thể lật ngược tình thế giữa ông Trump với bà Harris.
"Giờ không phải lúc để chỉ trích Puerto Rico hay người Mỹ Latin", cựu thống đốc Nam Carolina Nikky Haley, thành viên đảng Cộng hòa, nói.
Các chiến lược gia Cộng hòa lo ngại bê bối này có thể khiến cử tri gốc Puerto Rico ở các bang chiến trường có thể thay đổi quyết định vào phút chót theo hướng bất lợi cho Trump.
Trả lời phỏng vấn ABC News ngày 29/10, ông Trump khẳng định "tôi không quen Hinchcliffe", nhưng không lên án bài phát biểu của diễn viên hài, dù đây được coi là cơ hội để ông khắc phục hậu quả sự việc.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News sau đó, Trump cho rằng "người ta đang tìm cách chuyện bé xé ra to" với bài phát biểu của Hinchcliffe.
Ông Trump tối 29/10 tổ chức vận động ở Allentown, bang Pennsylvania, nơi số cử tri gốc Mỹ Latin đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000. Hơn một nửa trong số này là người gốc Puerto Rico.
Thượng nghị sĩ gốc Puerto Rico Zoraida Buxo cũng có mặt tại buổi mít tinh, lên tiếng ủng hộ ông Trump. Trên mạng xã hội, Buxo cho rằng Trump là "lãnh đạo cứng rắn" mà cử tri gốc Puerto Rico cần.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ gốc Puerto Rico không đủ để xoa dịu tức giận.
"Bài diễn thuyết phải được thẩm định trước. Có thể hiểu là ông ấy cho phép người ta nói thế, nên phải chịu trách nhiệm về những gì mà ông diễn viên hài đã nói. Giờ nói xin lỗi là quá muộn. Tôi không muốn nghe xin lỗi, tôi muốn công lý và công lý sẽ được thực thi vào 5/11", Ivet Figueroa, 61 tuổi, phát biểu khi đứng bên ngoài cuộc vận động của Trump ở Allentown.
Angelo Ortega, cư dân Allentown, cựu đảng viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho bà Harris, cho hay không thể tin vào những gì đã nghe thấy trong buổi vận động ở New York. Ortega cho hay ít nhất một cử tri gốc Mỹ Latin mà ông biết đã quay sang ủng hộ bà Harris sau khi nghe bài diễn thuyết của Hinchcliffe.
Một số cử tri gốc Puerto Rico vẫn giữ vững lập trường ủng hộ Trump. Maricelis Torres, 24 tuổi, vừa làm bồi bàn vừa học nghề bác sĩ X-Quang, cho hay cô và gia đình đã phá lên cười khi nghe Hinchcliffe pha trò trong lúc đứng xếp hàng chờ vào địa điểm vận động của ông Trump ở Allentown.
"Con người bây giờ quá yếu đuối, đó chỉ là những câu đùa", Torres nói, lưu ý bố cô là người Puerto Rico.
Hồng Hạnh (Theo AP)