- Ông đánh giá thế nào về chiến thắng của Việt Nam trước UAE?
- Tôi bất ngờ với phong độ của UAE. Họ đã chơi bạc nhược. Thứ nhất, tâm lý của họ căng cứng và có phần e dè khi làm khách của Việt Nam. UAE sợ viễn cảnh thua trận thứ hai liên tiếp. Từ đó, những đấu pháp họ đưa ra thiếu chính xác. Thứ hai, UAE bỏ qua những điểm mạnh vốn có như sức mạnh, tốc độ, thể hình. Lối chơi mà họ thể hiện tối 14/11 không phải khéo léo, cũng chẳng phải chắc chắn. Thứ ba, HLV Bert Van Marwijk có quá tin tưởng vào phong độ của Cầu thủ hay nhất châu Á 2016 Omar Abdulrahman.
Chính Abdulrahman đã phá hỏng chiến thuật của UAE. Cậu ta lười tranh chấp bóng, không tung ra được bất cứ đường chuyền, cú sút hay pha đi bóng đáng chú ý nào. Nhưng Van Marwijk vẫn giữ Abdulrahman tới cuối trận. Thậm chí vào hiệp hai, khi cần bàn gỡ, ông ấy lại chọn phương án đẩy Abdulrahman lên đá tiền đạo, và rút tiền đạo xuất phát Ahmed Khalil khỏi sân.
So sánh với Tuấn Anh, một cầu thủ cũng chơi bóng nghệ sĩ, mới thấy sự thiếu trách nhiệm của Abdulrahman. Một bên thích thể hiện những quả chuyền khó, những pha đi bóng biểu diễn, còn một bên chơi cần cù và có thái độ thi đấu quyết tâm trong cả trận. Abdulrahman là hình ảnh tiêu biểu của thất bại của UAE. Nhìn họ chơi bóng ở Mỹ Đình, không ai nghĩ đây là một đội hàng đầu châu lục.
- Sau trận đấu, HLV Bert Van Marwijk nói tấm thẻ đỏ cuối hiệp một đã thay đổi cụ diện trận đấu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tấm thẻ đỏ chỉ xoay chuyển cục diện trận đấu trong hai trường hợp. Một là UAE đang ở thế ép sân. Hai là họ toan tính tăng tốc trong hiệp hai nhờ lợi thế thể lực. Nhưng cả hai khả năng đều không phù hợp với những gì xảy ra trên sân. Nếu UAE muốn thăm dò trong hiệp một, họ phải có kế hoạch cụ thể tấn công Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi ở thế không còn gì để mất và quyết định dùng sức để ép Việt Nam, họ cũng không tạo ra sức ép đủ lớn. Đội khách vẫn chơi hời hợt và dễ dàng bị hàng thủ Việt Nam hóa giải.
UAE có thể đã gặp vấn đề từ ngay từ khâu chuẩn bị trận đấu. Việc không có tiền đạo chủ lực Ali Mabkhout khiến họ tự ti và thiếu niềm tin vào chiến thuật đã chọn. Nhìn quả tung móc của Khalil trong hiệp một là đủ hiểu tâm lý phía họ. Trên sân khách, trong một trận đấu không được phép thua - như cầu thủ này phát biểu, khi đưa được bóng vào cấm địa đối phương, cầu thủ phải rất chắt chiu. Nếu không thể dứt điểm ngay, cần phải hãm bóng, chuyền qua chuyền lại, hoặc chờ đồng đội lên hỗ trợ. UAE rõ là một đội bóng không được tổ chức tốt. Đặt tình huống ấy vào Việt Nam, chắc chắn cầu thủ sẽ xử lý khác. Họ sẽ giữ quả bóng đến cùng, thậm chí chuyền về để chờ đợi một thời cơ tốt hơn.
Trong hơn 15 phút cuối, UAE đã dồn lên, nhưng cách lên bóng của họ tạo cảm giác lực bất tòng tâm. Khi tinh thần của cả cầu thủ lẫn HLV đều đi xuống, đội khách gần như buông xuôi, dù trọng tài chưa thổi còi báo hết giờ. Theo thống kê của tôi, UAE chỉ có đúng một pha phối hợp đáng xem, xuất phát từ lỗi bỏ vị trí của Đoàn Văn Hậu. Với một cơ hội không thật rõ ràng như vậy, khó để nói UAE đủ khả năng có điểm khi rời Việt Nam.
- UAE đã vấp nhiều sai sót, nhưng Việt Nam đã làm gì để tận dụng điều ấy?
- Trước hết là cách nhập cuộc của chúng ta rất rõ ràng. Đầu trận luôn là khoảng thời gian rất căng thẳng. Nếu bung lên quá sớm, cự ly đội hình không được đảm bảo, và có nguy cơ phải nhận những đòn hồi mã thương. Vì vậy, ông Park chấp nhận bị chậm trong những pha chuyển trạng thái, bù lại Việt Nam giữ được ổn định về thế trận. Cũng phải nói thêm, là trong những phút đầu, khi thể lực UAE dồi dào và có nhiều bóng bên phần sân Việt Nam, những đợt vây hãm của họ không tạo ra nhiều sức ép.
Sang hiệp hai, với lợi thế hơn người và dẫn bàn, ông Park tung thêm Công Phượng vào sân để có thêm bàn. Đó là mẫu cầu thủ khó lường, và trong hơn 30 phút thi đấu, Công Phượng nhiều lần thoải mái rê dắt như thể trêu đùa hàng thủ UAE. Dù còn lỗi nhịp cuối, ý đồ sử dụng Công Phượng của Park Hang-seo để bào mòn thể lực đối thủ, khi tinh thần họ không tỉnh táo, là rất rõ ràng. Công Phượng được ông Park cho phép xử lý như vậy. Nó khiến đối thủ không biết đường nào mà lần, và suýt để lại dấu ấn cuối trận nếu Quang Hải dứt điểm chính xác
- Yếu tố chiến thuật tác động như nào đến chiến thắng của Việt Nam trước UAE?
- Phát hiện lớn nhất của HLV Park Hang-seo trong vài tháng qua là đặt niềm tin và sử dụng Tuấn Anh. Cậu ấy và Đỗ Hùng Dũng bổ khuyết cho nhau nơi hàng tiền vệ, giúp Việt Nam vừa kiểm soát được thế trận, vừa có thể tạo ra đột biến ngay từ khu vực giữa sân. Trong một trận đấu cụ thể, có thể với UAE hoặc một đội nào khác, dấu ấn chiến thuật có thể mờ nhạt hơn so với dấu ấn cá nhân. Cú sút của Tiến Linh là một minh chứng.
Dấu ấn của ông Park thể hiện xuyên suốt qua quá trình hai năm làm việc ở Việt Nam. Ông ấy từng bước xây đắp bộ khung chơi cực kỳ ổn định như bây giờ: đầu tiên là hàng phòng ngự, sau đó là hai hậu vệ biên, và giờ là tuyến tiền vệ. Chiến thắng UAE là thành quả của cả một công cuộc dài hơi, kết hợp thêm sự sa sút của chính đối thủ. Chúng ta có thể hy vọng rằng vị trí tiền đạo - tuyến để lại nhiều nỗi lo nhất thời gian qua - cũng sẽ tiếp nối theo quá trình phát triển ấy.
- Ở góc độ người hâm mộ, ông có cảm xúc như thế nào với chiến thắng trước đội bóng hàng đầu châu Á như UAE?
- Thắng UAE, tôi chỉ hài lòng về tỷ số, còn cảm giác thỏa mãn không bằng trận gặp Malaysia. Khi chạm trán đối thủ này, họ đang có phong độ tốt (thắng Indonesia trên sân khách và thua trong thế ngang cơ với UAE). Trong trận gặp Việt Nam, họ đã chơi chặt chẽ, giàu toan tính, khiến Việt Nam có nhiều thời điểm không thể chơi đúng ý. Việc đánh bại một đội bóng ngang tầm và giàu quyết tâm mới chứng tỏ bản lĩnh của Việt Nam. Còn UAE, họ gần như thua trước khi ra sân.
Thắng Nguyễn