"Tôi không muốn điều này và sẽ không phải là người khởi xướng, song có thể là vào một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải tiến hành chiến dịch trên bộ, bất kể đó là hình thức nào, để chống lại lực lượng Nga", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 16/3. "Pháp có đủ sức mạnh làm điều đó".
Tổng thống Macron tháng trước gây tranh cãi khi nói rằng ông không loại trừ khả năng triển khai bộ binh tới Ukraine trong tương lai, điều được cho là cấm kỵ và có thể khiến NATO bị cuốn vào cuộc chiến quy mô lớn với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Một số nước Đông Âu ủng hộ ý tưởng của ông Macron, song Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác phản đối.
![Tổng thống Macron phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 4/2023. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/03/17/123-2647-1710633029.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wlyrmA_LDnA9W4ZiRSjvnQ)
Tổng thống Macron phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 4/2023. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân sau phát biểu của ông Macron, trong khi Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói nước này sẽ xóa bỏ "lằn ranh đỏ" với Pháp.
Dù vậy, ông Macron vẫn từ chối rút lại quan điểm của mình. Tổng thống Pháp hôm 14/3 cảnh báo Nga sẽ mở rộng xung đột sang những nơi khác nếu đánh bại Ukraine, đồng thời kêu gọi châu Âu đừng "yếu đuối" và sẵn sàng đáp trả.
Giới phân tích nhận xét ông Macron dường như muốn ghi điểm chính trị và thể hiện sức mạnh tập thể của NATO trong bối cảnh quân đội Ukraine liên tiếp hứng chịu thất bại trên chiến trường. Telegraph dẫn nguồn tin từ Điện Elysee nói rằng ông Macron muốn Pháp được coi là cường quốc có sức ảnh hưởng hàng đầu ở châu Âu, khi tình hình chính trị cả trên trường quốc tế và trong nước đang thay đổi.
Tuy nhiên, ý tưởng điều quân tới Ukraine, cùng với mâu thuẫn liên quan việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev, đang đe dọa gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa các nước NATO, đặc biệt là Pháp và Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó phản ứng quyết liệt với các tuyên bố của ông Macron.
Tổng thống Macron gặp Thủ tướng Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Berlin hôm 15/3, nhằm hàn gắn bất đồng và thể hiện đoàn kết với Ukraine. Sau cuộc gặp, ông Macron cho biết ba quốc gia sẽ "đoàn kết" trong nỗ lực "ngăn không để Nga chiến thắng" và cam kết "hỗ trợ người dân Ukraine cho đến thời khắc cuối cùng".
Thủ tướng Scholz cũng nói ba nước đang thiết lập liên minh để cung cấp rocket tầm xa cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh họ sẽ "không từ bỏ ủng hộ" Kiev. Chưa rõ đây là liên minh riêng do ba nước xây dựng hay là một phần trong đề xuất thiết lập liên minh cung cấp tên lửa tầm xa được Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine đưa ra hồi tháng 2.
Phạm Giang (Theo AFP)