"Bác sĩ thủy sản" là biệt danh được người dân vùng Vĩnh Thuận, Kiên Giang gắn cho TS Trần Ngọc Tuấn (35 tuổi) bởi tài "bắt" nhanh bệnh của các loài thủy sản ngay tại ao qua quan sát màu nước và thói quen bất thường của chúng.
Để kiểm tra dấu hiệu thiếu oxy trong nước, anh Tuấn xem thức ăn của tôm, cá có bị dư thừa không. Nếu tôm hay bơi trên mặt nước vào ban ngày, nhưng cá bơi hỗn loạn vào buổi chiều tối, điều này chứng tỏ chúng đang sốc, có thể do oxy hòa tan thấp và nhiệt độ trong nước cao. Khi màu nước thay đổi đột ngột sang màu trắng sữa đục, nguyên nhân do tảo chết, vi khuẩn chiếm nhiều trong nước, như thế các loài tôm, cá dễ mắc bệnh đường ruột. Nhưng nếu nước quá trong, tảo có thể bị thiếu dinh dưỡng hoặc nhiễm phèn, không tốt cho tôm, cá.
"Tôm, cá mỗi mùa mỗi bệnh. Những biện pháp cơ bản này chỉ cần quan sát cũng biết chính xác tình trạng sức khỏe của chúng giúp bà con nông dân dễ dàng áp dụng mà không phản khoa học", anh Tuấn nói. Nhiều lần anh phải túc trực 2-3 ngày tại ao vì có trường hợp tôm, cá không thể hiện ngay tình trạng bệnh của chúng, mà phải quan sát hành vi trong nhiều ngày. Trong quá trình đó anh cũng hướng dẫn bà con những kinh nghiệm cơ bản. Nhờ vậy có những ao tôm, ao cá trong làng đã cải thiện năng suất và chất lượng giống ươm.
Sinh ra tại Vĩnh Thuận, Kiên Giang, ký ức thời cấp ba của anh Tuấn là những lần đi bắt tôm, cá với lũ bạn. Thời điểm vào đầu năm 2000, phong trào nuôi thâm canh các loài thủy sản bắt đầu phát triển và mở rộng nhiều vùng ở Kiên Giang, trong đó có huyện Vĩnh Thuận quê anh.
Theo phong trào, nhiều hộ dân quê anh còn bỏ số vốn lớn, đến cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua giống tôm, cá, trong khi cả người bán và người nuôi đều không có đủ kiến thức chuyên môn về biểu hiện và cách xử lý bệnh. Một số hộ gia đình vì thế mà chịu lỗ, có nhà mất trắng vụ tôm năm đó.
Thấy các cô, bác hàng xóm vất vả nhưng kết quả thu được sau vụ tôm là những tờ giấy vay nợ bù lỗ, anh Tuấn nghĩ nếu ở quê có kỹ sư thủy sản về phổ biến kiến thức nuôi, cách xử lý bệnh tôm, cá thì lúc đó đâu phải thất thu và chịu lỗ như này.
Đang là học sinh cuối cấp, Tuấn quyết định thi vào trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Bệnh học thủy sản, với mong muốn sau này, chính mình sẽ giúp bà con nông dân có thêm kiến thức nuôi tôm, cá, cải thiện cuộc sống vùng quê.
Càng đi sâu vào ngành học, Tuấn càng cảm thấy con đường này phù hợp với bản thân. Vì thế, từ khi là sinh viên năm 3, anh được thầy cô tin tưởng, cho tham gia những dự án lớn, trong đó có nghiên cứu vi sinh vật trong môi trường ươm tôm càng xanh giống, tham gia các trại thực nghiệm về ươm và nuôi tôm.
Xuất phát với nền tảng kiến thức vững chắc và kinh nghiệm từ những chuyến thực tế, tốt nghiệp đại học năm 2006, anh cùng mấy người bạn quyết định mở trang trại sản xuất giống tôm càng xanh. Từ khâu làm ao, xử lý môi trường nước đến công đoạn chọn giống tôm và chuẩn bị thức ăn, đều do anh và nhóm bạn lên kế hoạch. Mùa đầu, tôm khoẻ và phát triển nhanh nên trang trại của anh đã bán đi được những tấn tôm càng xanh đầu tiên. Hai năm đầu, trang trại tôm kinh doanh tốt, cho năng suất cao. Anh Tuấn tự tin rằng thời điểm đó, trang trại của anh là một trong những địa điểm nuôi tôm càng xanh giỏi nhất vùng Vĩnh Thuận, được nhiều người đến hỏi thăm và tham khảo.
Nuôi tôm sinh lời, anh quyết định mở rộng thêm diện tích trang trại và số lượng tôm càng xanh được ươm. Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập tới.
Khoảng năm 2008, như mọi ngày, vào sáng sớm, anh Tuấn lên trang trại chuẩn bị cho tôm ăn. Ném thức ăn xuống ao, chỉ số ít tôm nhảy lên đớp mồi. Nghĩ thời tiết thay đổi, tôm không lên ăn, anh không kiểm tra kỹ mà chỉ xem lại nguồn nước bơm vào ao có đủ hay không. Hai hôm sau, tôm nổi trắng mặt ao khiến anh Tuấn không khỏi sững sờ. Anh suy sụp. Nghĩ rằng nguyên nhân chắc chắn không thể đến từ nguồn thức ăn, nhưng anh vẫn không thể hiểu tôm mắc bệnh gì mà có thể lây nhanh đến thế.
Nhờ thầy cô thời đại học có thâm niên trong lĩnh vực, kết hợp tìm đọc các tài liệu, anh tìm ra nguyên nhân do một loại vi nấm ký sinh trên động vật thủy sản, gây bệnh đường ruột. Thời điểm đó, thông tin trong nước về triệu chứng và cách chữa trị khi tôm mắc vi nấm ký sinh này còn hạn chế. Dù muốn duy trì trang trại, nhưng không có khả năng bù lỗ và tiếp tục ươm giống, anh đành phải dừng hoạt động kinh doanh.
Không chịu từ bỏ sau "cú ngã", anh quyết định đi theo con đường nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị loại bệnh do vi nấm ký sinh gây ra.
Trở lại trường Đại học Cần Thơ để học Thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản, anh nghiên cứu các bệnh vi nấm và bệnh vi khuẩn trên tôm, cá. Một số kết quả nghiên cứu của anh đã công bố quốc tế. Cơ duyên lại đến trong một hội nghị về thủy sản tại trường năm 2008, anh gặp giáo sư trường Đai học Nông nghiệp Huazhong, nổi tiếng nghiên cứu về lĩnh vực di truyền chọn giống trên cá ở Trung Quốc. Cách nói chuyện của vị giáo sư về những vấn đề nghiên cứu mà anh đang quan tâm, anh muốn đến Trung Quốc nghiên cứu.
Sau hai năm học Tiến sĩ từ 2013, anh Tuấn giành được học bổng toàn phần nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Thủy sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, một viện chuyên sâu về thủy sản uy tín tại Trung Quốc. Tại đây hướng nghiên cứu của anh là những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột của động vật thủy sản dưới tác động điều kiện môi trường khác nhau, chọn lọc các nhóm hợp chất tiền sinh học phù hợp, giúp nâng cao khả năng phát triển các nhóm vi sinh vật sống hữu ích trong đường ruột vật chủ, cải thiện tiêu hóa thức ăn, tăng tỉ lệ sống ở động vật thủy sản.
Những năm học tiến sĩ, các nghiên cứu của anh tập trung chủ yếu thủy sản nước ngọt, bản thân anh muốn nâng cao sự hiểu biết đối với đối tượng nuôi trên biển, như vậy sẽ phù hợp hơn với nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn của Đồng bằng sông Cửu Long và quê hương anh. Vì thế Viện Khoa học biển, trường Đại học Shantou (Trung Quốc) là đích đến cho nghiên cứu sau tiến sĩ lần thứ 2 của anh từ năm 2018 đến nay.
Mới đây TS Tuấn tìm ra hai hợp chất tiền sinh học, gồm galactooligosaccharides và resistant starch. Hai hợp chất này có tiềm năng hỗ trợ quá trình nuôi cua biển nhờ thúc đẩy thay đổi cấu trúc các nhóm vi sinh vật đường ruột và tăng lượng vật chất chuyển hóa (acid béo mạch ngắn) sản sinh sau quá trình lên men trong điều kiện phòng thí nghiệm, từ đây có thể gián tiếp tăng cường khả năng miễn dịch của cua biển. "Đây là những bước đầu cho dự định chế tạo thuốc hoặc một sản phẩm thương mại giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột của động vật thủy sản mà tôi đang ấp ủ", anh nói.
Nhờ những công trình nghiên cứu nổi bật và có tiềm năng ứng dụng, anh là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu được nhận giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu Vàng 2019 trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Khoảng thời gian này trở về quê nhà do Covid-19, TS Tuấn có cơ hội được hỗ trợ bà con nông dân, tư vấn cách xử lý những vấn đề liên quan tới sức khỏe các loài thủy sản. Nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản nhiều năm qua, anh luôn mong được trở về Việt Nam, mang kiến thức nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ bà con nông dân.
Nguyễn Xuân