Đây là cuộc thi thường niên, được tổ chức từ năm 2014 dành cho phụ nữ, một sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN và 10 quốc gia thành viên thúc đẩy hội nhập kinh tế, tạo cơ hội cho phụ nữ và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia.
Với chủ đề "Nước sạch và không khí trong lành", cuộc thi năm nay tìm ra những nhà khoa học nữ trong ASEAN có nghiên cứu xuất sắc trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch - vấn đề ảnh hưởng đến 110 triệu người vùng Đông Nam Á.
Năm nay TS Hoàng Thị Đông Quỳ (43 tuổi), Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM là một trong 14 nhà khoa học được vào vòng chung kết trong số 64 ứng viên đại diện cho mỗi quốc gia trong khối ASEAN.
TS Hoàng Thị Đông Quỳ lọt vào hạng mục Mid-Career Scientist cùng 8 nhà khoa học khác trong khu vực Đông Nam Á. Với hướng nghiên cứu vật liệu tổng hợp vật liệu tái chế polymer, nano composite chống cháy thân thiện với môi trường, TS Quỳ từng nhận giải thưởng L’Oreal-UNESCO 2017.
Ở vòng chung kết, 14 nhà khoa học tiếp tục tranh tài trong hai hạng mục, gồm Mid-Career Scientist (nhà khoa học có học vị tiến sĩ 3 năm và có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu) với giải thưởng 10 nghìn USD và Senior Scienctist (nhà khoa học quản lý phòng thí nghiệm, đứng tên dự án nghiên cứu) với giải thưởng 15 nghìn USD.
Trong giai đoạn tiếp theo, mỗi nhà khoa học chuẩn bị một video để giới thiệu dự án nghiên cứu và giải pháp công nghệ ứng dụng, có giá trị tích cực tới cộng đồng và truyền cảm hứng cho thế hệ phụ nữ theo đuổi lĩnh vực STEM. Sau đó, 4 nhà khoa học được chọn từ hai hạng mục sẽ tiếp tục trình bày nghiên cứu, để tìm ra một người thắng chung cuộc trong mỗi hạng mục.
Việt Nam từng có TS Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) giành chiến thắng trong cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ lần thứ ba tổ chức năm 2017. TS Hiệp khi đó được trao 20.000 USD cho nghiên cứu xuất sắc của bà về đề tài sử dụng các giải pháp chăm sóc tại nhà nhằm giảm áp lực đè nặng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe đô thị.