GS.TS Nguyễn Minh Thủy (61 tuổi), giảng viên cấp cao trường đại học Cần Thơ, mới đây được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021. Hành trình nghiên cứu của bà chủ yếu gắn bó với các loại rau củ, quả. Con số hơn 300 sản phẩm công nghệ được GS Thủy và cộng sự nghiên cứu thành công, 100 sản phẩm hoàn chỉnh có thể chuyển giao tập trung nhiều vào việc nâng giá trị nông sản sau thu hoạch, phần nào nói lên sự gắn bó của bà.
Tốt nghiệp thạc sĩ Viện Kỹ thuật Châu Á (AIT, Thailand năm 1992) và tiến sĩ tại Trường KU Leuven, Bỉ (2007), chuyên ngành chế biến, bảo quản thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch, về nước bà chọn cây mía ở Hậu Giang là đối tượng đầu tiên để nghiên cứu. Thời điểm đó bài toán cần giải là tìm cách nâng chữ đường (CCS) cao, thời gian lưu trữ để mía không mất chất lượng. Nghiên cứu của bà đã giúp nông dân tự dự đoán được CCS của cây mía ở các giai đoạn tăng trưởng, giúp họ tăng thu nhập khi quyết định thu hoạch mía và thuận lợi cho quá trình mua bán với nhà máy sản xuất đường. Khi biết được chất lượng của nguyên liệu, người nông dân có thể dự đoán được giá và tăng lợi nhuận từ quá trình sản xuất, không bị thương lái ép giá.
Sau thành công từ cây mía, TS Thủy tiếp tục tìm hiểu sang các nguyên liệu như gấc, gạo nếp, khoai, tỏi, thốt nốt... Kết quả là sáng chế "Quy trình chế biến sản phẩm nước ép gấc - cà rốt" được bảo hộ năm 2017. Các mô hình chế biến sản phẩm sạch như cách lấy nước thốt nốt (An Giang), rượu vang thốt nốt, hành tím (Sóc Trăng), trái thanh trà (Vĩnh Long)... được chuyển giao và đưa sản phẩm ra thị trường.
GS Thủy chia sẻ, cụm từ "giải cứu nông sản", "được mùa mất giá" luôn khiến bà trăn trở. Hầu hết sản lượng trái cây sản xuất ở Đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu được sử dụng dạng ăn tươi, các công nghệ chế biến còn hạn chế. Chính vì vậy các nghiên cứu của bà và cộng sự là đưa ra các giải pháp trong bảo quản dạng tươi và chế biến đa dạng nhằm tận dụng triệt để nguồn dinh dưỡng sẵn có. Đầu năm nay, nhóm đã chuyển giao 30 công nghệ cho các cơ sở ở địa phương, trong đó 18 công nghệ đã được thương mại hóa.
Dấu ấn trong danh sách các công nghệ được GS Thủy nhắc là kỹ thuật trích ly hiện đại (kỹ thuật siêu âm và vi sóng) các chất màu tự nhiên trong các loại rau, hoa quả như hoa đậu biếc, thanh long ruột đỏ, quả dành dành, lá cẩm.
Công nghệ do nhóm của GS Thủy nghiên cứu cho hiệu suất trích ly cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Các kỹ thuật cũng gần với hệ sinh thái tự nhiên, thời gian trích ly ngắn và tìm được mức nhiệt nên giảm thiểu sự phá hủy các hợp chất màu và các hợp chất sinh học quý sau khi thu nhận. Bên cạnh đó, kỹ thuật kiểm soát sự biến đổi các hợp chất màu này trong các điều kiện chế biến nhiệt khác nhau cũng được nhóm nghiên cứu kiểm soát thành công. "Màu sắc thực phẩm tự nhiên vốn có từ các loại rau hoa quả còn chứa hợp phần phytonutrients, có khả năng nâng cao sức khỏe do đặc tính chống oxy hóa, chống lão hóa", bà nói.
GS Thủy nghỉ hưu từ năm 2016, nhưng bà được mời tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Cần Thơ. Nhìn lại chặng đường, bà bảo mình "được nhiều hơn mất", vì được học tập nâng cao trình độ, truyền đam mê, nhiệt huyết cho các bạn trẻ trong nghiên cứu khoa học.
Bà quan niệm, muốn giảng dạy có hiệu quả cần kết hợp với nghiên cứu. Nhà khoa học chỉ thành công khi truyền thụ được kiến thức tốt, nghiên cứu khoa học và giúp sinh viên phát triển các kỹ năng phát hiện vấn đề mới, kỹ năng phân tích. "Nghiên cứu khoa học là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội", bà nói.
Như Quỳnh