Trong phần tham luận tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup 2022 ở Đồng Tháp, chiều 20/12, ông Li Guo - điều phối viên Chương trình Quốc gia về Nông nghiệp, chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - gọi thành tích của nông nghiệp Việt trong 35 năm qua là "câu chuyện thành công ở Đông Nam Á". Năm 2021, nước ta xuất khẩu 38 tỷ USD sản phẩm nông sản. Năm nay, con số này càng vượt trội, cán mốc 54 tỷ USD.
Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa (trên 21 triệu tấn gạo). Xuất khẩu bình quân khoảng 6,1-6,5 triệu tấn gạo. Riêng năm 2022, ước đạt 7 triệu tấn và chủ yếu nguồn từ ĐBSCL. Nhiều năm liên tiếp, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ hai thế giới (sau Ấn Độ). Tỷ lệ thủy hải sản, trái cây Việt vượt khỏi biên giới, đến với nhiều người tiêu dùng toàn cầu.
Hàng chục năm qua, ĐBSCL được định hướng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với hoạt động kinh tế phong phú, cộng đồng doanh nghiệp lớn và phong trào khởi nghiệp mạnh... Nơi đây đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước. Dư địa phát triển của vùng vẫn còn nhiều, làm thế nào để phát huy hết thế mạnh của 13 tỉnh ĐBSCL là bài toán Bộ, ngành, các cấp cần giải.
Ông Li Guo cũng đánh giá cao các chính sách, cam kết xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu đến tầm nhìn 2045, mức phát thải carbon thấp của Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 cùng với hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: tham gia sáng kiến giảm phát thải khí methane toàn cầu (giảm 30% vào năm 2030); thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".
Ở Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm cùng năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Tuy nhiên theo ông Li Guo, sự suy giảm môi trường (sử dụng nhiều nước, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật) và biến đổi khí hậu đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt.
Ở các phần tham luận trước đó, lãnh đạo Bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành cũng chỉ ra ĐBSCL đang đối mặt nhiều vấn đề khi chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên, phương thức canh tác lạc hậu, ô nhiễm môi trường, chất lượng và sản lượng không song hành nhau, dẫn đến hàng hóa thiếu tính cạnh tranh...
Trước những thách thức lẫn cơ hội trên, ông Li Guo và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung thực hiện mục tiêu "Kích hoạt năng lực đổi mới phát huy vai trò SME và khởi nghiệp trên địa bàn, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại - bền vững - phát thải thấp".
Trong đó, ông dẫn dắt Đồng Tháp đang tập trung việc đa dạng hóa sản phẩm, giảm gạo để tạo ra trái cây, cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, kết nối du lịch, kinh tế địa phương lẫn tư nhân.
Hiện Đồng Tháp kết hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tập trung các lĩnh vực: bảo vệ cây ăn trái, cây cảnh, đa dạng hóa sinh kế người nông dân, chống biến đổi khí hậu, tập trung sản xuất thực hành bền vững và mong ươm tạo thế hệ nông dân mới.
Ông Li Guo mong muốn nông nghiệp ĐBSCL không chỉ là thương hiệu của Việt Nam mà còn được nhận diện trên toàn thế giới. Ông và các đồng sự cũng đang xây dựng đề án liên quan nông nghiệp Việt, tiến tới mục tiêu: một triệu ha trồng gạo chất lượng cao, phát thải thấp.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông - báo VnExpress. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 19-20/12 tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Ban tổ chức tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương, nhà tài trợ giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Vạn Phát