Trong hơn một giờ đồng hồ trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề tọa đàm "Cơ hội mở rộng thị trường nông nghiệp" trên VnExpress sáng 28/4, thị trường nội địa là giải pháp cho doanh nghiệp nông nghiệp một lần nữa được đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp thẳng thắn đưa ra.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trưởng Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, nông nghiệp được xem là nền tảng ổn định trong bất kể bối cảnh nào, song việc hội nhập sâu trên thế giới khiến ngành cũng không miễn nhiễm với tác động tiêu cực dịch bệnh đem đến.
"Lần đầu tiên trong lịch sử ngành đối mặt với thách thức kép là vừa chống dịch vừa tăng trưởng. Covid-19 khiến nhiều ngành nghề phải thay đổi tư duy về cách thức sản xuất. Với riêng lĩnh vực nông nghiệp, thì chu kỳ dịch bệnh còn gắn liền với chu kỳ thị trường", ông Toản nói.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, trong khó khăn có không ít doanh nghiệp chủ động tìm hướng đi riêng. Bà dẫn chứng, trong khi xuất khẩu thô chững lại, các công ty thu mua, chế biến nông sản đã nắm cơ hội, tung sản phẩm mới. Xuất khẩu đường bộ qua biên giới gặp khó, nhưng đường biển vẫn thuận lợi. "Doanh nghiệp chủ động, thay đổi tư duy trong giai đoạn biến động này sẽ đem về những triển vọng kinh doanh mới", bà Thực nói.
Có cơ hội làm việc với nhiều đơn vị ngành hàng, bà Bùi Kim Thuỳ - thành viên Hội đồng cố vấn Harvard đánh giá, sau giai đoạn ứng phó bỡ ngỡ đầu đại dịch, hiện nhiều doanh nghiệp dần triển khai các đối sách linh hoạt hơn. Trong đó các doanh nghiệp lớn thay đổi mô hình, đối tượng kinh doanh; doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhanh chóng nắm bắt thời cơ.
Là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, đang thấm thía những hệ lụy từ Covid-19, ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới cho biết, cách xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp có những đặc thù riêng, cần mỗi đơn vị linh hoạt. Trong 2 tháng qua, doanh nghiệp này đã thay đổi kế hoạch bán hàng và truyền thông phù hợp để tạo lòng tin với khách hàng. Trong đó chú trọng việc minh bạch thông tin xuất xứ sản phẩm gạo hữu cơ trồng trên 400-500 ha ruộng khai thác rươi, cáy. "Các doanh nghiệp nhỏ nên liên kết với nhau để cạnh tranh với các ông lớn", ông Tuân đề xuất.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những ứng biến trên là giải pháp nhỏ lẻ tại từng đơn vị, chưa hiện thực thành lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp trong ngành. "Dịch bệnh càng cho chúng ta thấy thị trường nhiều dư địa phát triển nhất là tại nội địa", ông nói. "Các công ty trong nước cần làm mới mình".
Yếu tố sáng tạo sẽ nâng cao tính cạnh tranh, gia tăng thị phần so với sản phẩm nhập khẩu. Theo khuyến cáo, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, nhằm xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trên chính thị trường sân nhà. Để giải những bài toán này, chuyên gia cho rằng cần sự hợp tác chặt chẽ của các nhà bán lẻ với chuỗi cung ứng. Trong đó đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên các sàn, giúp người dân vững tin vào sản phẩm quốc nội.
Tìm kiếm thị trường mới ngoài Trung Quốc
Bên cạnh tăng cường khai thác sâu tiềm năng thị trường nội địa, các chuyên gia nhận định, ngành nông nghiệp cần đón đầu những thị trường tiềm năng khác. Ngoài thị trường thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, các doanh nghiệp có thể tính đến một số thị trường gần trong Đông Nam Á.
Là chuyên gia có hơn 10 năm nghiên cứu thị trường Thái Lan, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, khu vực Đông Nam Á có nền sản xuất khá tương đồng, nếu muốn cạnh tranh, cần nhìn rõ điểm mạnh, điểm yếu, từ đó tạo ra sự khác biệt. "Lấy ví dụ, Thái Lan có thế mạnh về sầu riêng, nhưng tôi khẳng định nhiều vùng trồng nước ta ngon hơn hẳn, kể cả nhãn, vải thiều. Chúng ta có cơ hội chinh phục người Thái bằng nông sản Việt. Nhưng bài toán đặt ra là năng lực chuỗi bán lẻ và truyền thông", bà Thực nhận định.
Bà Bùi Kim Thùy đồng tình, với khu vực Đông Nam Á, nông sản Việt vẫn có cơ hội nếu biết chọn sản phẩm khác biệt và chiến lược tiếp thị sáng tạo. Trong đó, có thể nhắm tới quốc gia dịch vụ như Singapore, bởi nước này không có nền kinh tế sản xuất và họ đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung nhập khẩu ngoài Trung Quốc trước khi Covid-19 bùng nổ. "Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Singapore tăng hơn 30% cho thấy tín hiệu đáng mừng", bà đánh giá.
Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, nông dân và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng các tiêu chí kỹ thuật ngặt nghèo của nước này. "Đây là lý do nhiều mặt hàng chưa thể tiếp cận thị trường này, ngoài trái dừa và số ít nông sản khác", bà Thùy nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản quan tâm đến bài toán hàng rào kỹ thuật khi ông lưu ý đến sự kết nối chặt chẽ của các ban ngành với các địa phương và người nông dân, tạo ra quy trình khép kín sản xuất, phân phối, quản lý chuyên nghiệp, bài bản.
Theo các chuyên gia, việc các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ thông qua tới đây cũng sẽ tạo lực mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là những thách thức mới về quy định xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp trong nước phải minh bạch, trung thực xuyên suốt quá trình sản xuất. Sự minh bạch từ người trồng, người bán, đến các dự thảo, chính sách hỗ trợ sẽ tạo vòng tròn niềm tin cho người tiêu dùng. Đây cũng là cách hiệu quả đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Minh Chi
Chương trình "Tọa đàm kinh tế: Kịch bản cho tương lai" bàn về các kịch bản của nền kinh tế Việt Nam, về "trạng thái bình thường mới" trong và sau đại dịch Covid 19. Đại diện các Bộ Ban ngành, Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế sẽ cùng nhau bàn luận các giải pháp, tìm hướng đi trong tương lai, nhất là các ngành bị nhiều ảnh hưởng như Du lịch, Hàng không, Vận chuyển, Sản xuất, Nông nghiệp... |