Thương hiệu "Cày tay chú Năm" được ông Đức sáng chế từ năm 2001, trên cơ sở cải tiến lưỡi cày sử dụng sức kéo trâu bò. Cày có thể giúp nông dân làm hàng, xới đất, vun gốc các loại hoa màu trồng theo hàng như khoai, sắn, ngô, đậu... Chiếc cày thay thế việc sử dụng cuốc mất nhiều thời gian hay ở những vườn diện tích nhỏ hẹp, máy móc không thể vào được.
Kích thước cày dài 55 cm, rộng 20 cm, cao 30 cm, có cấu tạo gồm 3 phần chính: Cần cày làm bằng thép hàm lượng carbon cao, rỗng ruột, đường kính dày 3 mm. Một đầu cần được hàn gắn vào lưỡi cày, một đầu dùng để tra cán giúp người dùng điều khiển khi sử dụng. Lưỡi cày hình dáng uốn cong tương tự lưỡi cày thông thường, có thể sử dụng hơn 10 năm. Mũi cày có độ nhọn và sử dụng được 1,5 năm, sau đó phải thay thế để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cày sử dụng đạt hiệu quả cao nhất ở dạng đất thịt có độ xốp, đất cát, pha cát... phù hợp ở các vùng nông nghiệp ở Tây Nguyên, miền Bắc và các đồng bằng. Với đất sét, đất thịt cứng, đất nhiều sỏi đá thì hiệu quả không cao.
Cuối năm 2020, nhận thấy nhiều tiềm năng từ sản phẩm này, anh Nguyễn Tấn Thi, con trai ông Đức đã gửi đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đến Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Tháng 6/2021 đơn được chấp nhận. Hiện, sản phẩm bán hơn 1.000 chiếc tại thị trường này thông qua các kênh thương mại điện tử với giá khoảng 100 USD mỗi chiếc. Tại thị trường trong nước, sản phẩm có giá khoảng 600 nghìn đồng.
Theo anh Thi, sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công và tính toán rất kỹ các công đoạn để đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng. "Mặc dù nhiều người sao chép hình dáng sản phẩm, làm chiếc cày tương tự nhưng khi đưa vào sử dụng không được vì không đạt các yêu cầu về thiết kế", anh nói. Anh cho biết thêm, tùy vào loại đất và mục đích sử dụng mới tính toán được hiệu quả sản phẩm đến đâu. Trung bình chiếc cày tay có thể thay thế ba nhân công lao động dùng cuốc, giúp nông dân tăng tốc độ làm vườn.
Anh Từ Thái Hiếu, nông dân trồng ngô ở Tây Ninh cho biết, chiếc cày tay có thiết kế đẹp, cứng cáp, trọng lượng khoảng 3 kg, không quá nặng nên dễ dàng vận chuyển. "Khi sử dụng mình có thể nâng hạ cán cày để điều khiển được độ sâu đường cày, giúp người dùng không tốn nhiều sức như dùng cuốc, tiết kiệm thời gian làm vườn", anh Hiếu nói.
Hà An