Trung tâm nghiên cứu Pew Research công bố báo cáo dài 232 trang dựa trên ý kiến của hơn 300 chuyên gia trong các lĩnh vực, hầu hết là chuyên gia công nghệ, nhà nghiên cứu, ngoài ra còn có doanh nhân, nghệ sĩ, nhà văn... Những tên tuổi hàng đầu có thể kể đến Alon Halevy, Giám đốc Reality Labs của Meta, hay Eileen Donahoe, người đứng đầu Vườn ươm Chính sách kỹ thuật số toàn cầu thuộc Đại học Stanford.
"Chúng tôi đã thu thập ý kiến của chuyên gia và 40 báo cáo về tác động của mạng kỹ thuật số trong 20 năm qua. Nỗi sợ hãi chưa bao giờ sâu sắc đến thế", giáo sư Janna Anderson, tác giả báo cáo, nói với Fortune.
Những nỗi sợ hãi được nêu ra gồm sự sụp đổ xã hội, khủng hoảng sức khỏe tâm thần do bị cô lập cũng như mất cảm giác về "sự thật" và tính chính xác của khoa học. Đặc biệt, viễn cảnh Skynet - cỗ máy AI do con người tạo ra với khả năng vận hành độc lập nhưng sau đó quay lại tấn công hủy diệt chính con người - cũng được các chuyên gia đề cập.
"Sự phân chia thế giới quy mô lớn tiếp theo sẽ là giữa người muốn sống như những sinh vật và người muốn sống như những cỗ máy. Đây là nỗi sợ lớn nhất của tôi", chuyên gia AI Jonathan Taplin nói. "Từ cột mốc xuất hiện điểm kỳ dị của AI, 'cuộc hôn nhân' giữa con người và máy móc sẽ diễn ra với tốc độ khiến ngay cả người thúc đẩy trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) cũng phải lo lắng".
Thống kê cho thấy, 40% vừa lo lắng vừa hào hứng về thay đổi trong quá trình tiến hóa khi con người sống cộng sinh với công nghệ. 79% chuyên gia bày tỏ lo ngại về cách xu hướng kỹ thuật số, đặc biệt là sự phát triển và lan rộng nhanh chóng của AI, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Trong số đó, 42% thiên về "rất phấn khích", 37% "lo lắng hơn là vui mừng" về những thay đổi khi con người kết hợp sâu với công nghệ, sớm nhất từ năm 2035.
Howard Rheingold, nhà xã hội học và nghiên cứu Internet, và một số chuyên gia khác nhận định AI có thể tạo ra hơn 40.000 vũ khí hóa học trong sáu giờ. Điều này giúp các cỗ máy trong tương lai "có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh lập tức".
Ở chiều ngược lại, nhiều người hình dung về tương lai tích cực từ AI nói riêng và công nghệ nói chung. "Tương lai của công nghệ sẽ mang lại sự tự do. Mọi người sẽ có thể kết nối và tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống theo những cách chưa từng có", nhà văn Deanna Zandt nói. "Tình yêu đầu tiên của tôi với Internet là phát hiện ra mình không đơn độc. Trong tương lai, nó sẽ được nâng tầm. Mọi người có thể tham gia vào các tương tác tư duy cao, mang tính xã hội và chính trị thường xuyên hơn".
Một số chuyên gia cũng chỉ ra công cụ AI có thể khắc phục các vấn đề lớn của nhân loại, như chênh lệch giàu nghèo, biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, chế tạo thuốc sẽ được cách mạng hóa nhờ AI và siêu máy tính. Các bệnh như ung thư có thể được máy móc chữa khỏi.
Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng cần có quy định kiểm soát AI và những công nghệ tự động có thể nhân bản trong tương lai. "Với quy định và nỗ lực phù hợp, tương lai có thể là viễn cảnh nhân loại mơ ước", Tom Valovic, một nhà báo và nhà nghiên cứu công nghệ, cho hay.
Hồi tháng 3, hơn 1.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ, trong đó các tên tuổi lớn như Elon Musk, Steve Wozniak cũng ký vào bức thư kêu gọi ngừng đào tạo các siêu AI ít nhất trong 6 tháng "vì những rủi ro sâu sắc". Động thái này không phải để hạn chế công nghệ, mà được cho là là bước lùi cần thiết để kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lạm dụng AI cho các mục đích nguy hiểm, cũng như hạn chế cuộc đua thiếu kiểm soát giữa các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Bảo Lâm (theo Fortune)