Gần 200 nhân viên xem vườn thú Vinpearl Safari như
căn nhà thứ hai và hơn 3.000 cá thể là những
"đứa trẻ" cần chăm bẵm, che chở.
Những loài thú quý hiếm ở khu bảo tồn bán hoang dã 380 ha Phú Quốc
 
 
Gần 11h, dưới cái nắng gay gắt của Phú Quốc (Kiên Giang), Danh Thuận Phát - nhân viên chăm sóc động vật - vội bê bốn thùng thức ăn đến khu vực sinh sống của tê giác trắng châu Phi. Một ngày 3-4 lần, Thuận Phát tiếp tế đồ ăn cho chúng. Tê giác mẹ nặng hơn 1,5 tấn, mỗi buổi ăn hết gần 150 kg cỏ khô, trái cây (cà rốt, khoai lang)... Tê giác con gần 23 ngày tuổi lăng xăng chạy theo chân mẹ. Hiện nó sống bằng nguồn sữa mẹ, hai tháng nữa mới có thể nạp thực phẩm hữu cơ.

Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt Thuận Phát, như thói quen, anh đưa tay quệt vội, tay còn lại liên tục đảo những phần thức ăn ngon nhất lên đầu để tê giác mẹ dễ nhìn thấy. Chàng trai 27 tuổi không ngừng nở nụ cười, anh nói thời khắc hạnh phúc nhất trong ngày là thấy tê giác trắng châu Phi ăn ngấu nghiến và ngắm nhìn cá thể con vừa sinh quấn quanh chân mẹ.
Cùng thời điểm ấy, bên các khu vực khác tại Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc, Hoàng, Hồng, Gấm, Nam và hàng chục nhân viên cũng tiếp tế bữa trưa cho hắc tinh tinh, thiên nga trắng cổ đen, hồng hạc, hà mã, linh dương Bongo, khỉ đầu chó Olive, hươu cao cổ, ngựa vằn và chồn...

Ở khu động vật bán hoang dã, khẩu phần ăn của hổ Belgan, sư tử, báo, cáo... khác với những loài ăn cỏ. Chúng chủ yếu ăn thịt bò, gà và heo, mỗi bữa ăn khoảng 5-7kg thịt. Do đó, công việc của các nhân viên chăm sóc vất vả và nguy hiểm hơn. Nếu không có kinh nghiệm, họ khó hoàn thành công việc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân.

Nhiều bác sĩ thú y được điều phối quan sát bữa ăn của các cá thể. Các thành viên trong tổ chăm sóc động vật túc trực ở vườn thú mỗi ngày để kịp thời giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Với họ, nơi đây là căn nhà thứ hai, nhiều niềm vui, nỗi buồn và xem từng loại động vật như những đứa trẻ cần che chở, chăm bẵm.

Vinpearl Safari Phú Quốc có quy mô 380 ha, thiết kế theo mô hình bán hoang dã, gần gũi với tự nhiên, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Hiện vườn thú có hơn 3.000 cá thể thuộc hơn 150 chủng loài, được chuyển giao, bảo tồn từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, châu Âu, Australia, Mỹ...

Gắn bó với vườn thú từ ngày đặt những viên gạch đầu tiên, ông Nguyễn Đình Cao - Trưởng bộ phận chăm sóc động vật - cho biết ông và các đồng nghiệp trải qua nhiều phút giây đáng nhớ, vỡ òa hạnh phúc khi chứng kiến các cá thể con chào đời. Từ năm 2018 đến nay, nơi đây chào đón hơn 370 "thành viên nhí", trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm như tê giác, hà mã, hổ Belgan, linh dương sừng mác, khỉ đầu chó Olive, vượn cáo đuôi khoang, vượn cáo trắng đen...

Với những động vật có nguy cơ tuyệt chủng, các nhân viên của bộ phận chăm sóc và bác sĩ thú y phải quan sát sát sao, ghi chép biểu hiện và đặc tính của mỗi loại. Với các cá thể nhí, các nhân viên phải cho ăn ba tiếng một lần, bất kể ngày đêm.

Trong vòng 17 ngày đầu tháng 4, Vinpearl Safari Phú Quốc chào đón hai cá thể tê giác trắng châu Phi chào đời. Tê giác mới sinh có tên khoa học là Ceratotherium simum (thuộc họ White Rhinoceros), phân bố chủ yếu ở Đông Bắc và miền Nam châu Phi. Chúng là một trong 5 loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới hiện nay.

Dù là loài sinh sản khá dễ dàng trong điều kiện sống tự nhiên, nhưng việc sinh con của tê giác trắng châu Phi tại các công viên bảo tồn được ghi nhận ở tỷ lệ rất thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, tính từ năm 1973, mới chỉ có 10 cá thể tê giác trắng được sinh ra tại vườn thú Sing Zoo (Singapore) và 4 cá thể chào đời tại vườn thú Taman Safari của Malaysia.

"Chúng tôi luôn nỗ lực biến vườn thú của mình thành môi trường lý tưởng, gần gũi tự nhiên và có chế độ chăm sóc tốt nhất dành cho các loài động vật hoang dã. Đây là cá thể tê giác thứ ba chào đời trong gần một thập kỷ qua tại Việt Nam", ông Nguyễn Đình Cao nói thêm.
Căng thẳng, tập trung, lo lắng, sợ hãi và hạnh phúc... là những cảm xúc mà chỉ những người được chứng kiến tê giác sinh con mới hiểu. Theo các nhân viên, quá trình tê giác sinh sản rất gian nan, gay cấn, nhiều lần khiến đội ngũ chăm sóc, bác sĩ, chuyên gia "thót tim".

Các chuyên gia của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á cho biết, việc mang thai và sinh nở của tê giác khó khăn chủ yếu do quá trình mang thai kéo dài 16-18 tháng có nhiều rủi ro, cần lịch trình chăm sóc, theo dõi sát sao. Hệ thống chuồng trại phải rộng rãi, đủ chuẩn để sinh sản. Đặc biệt, việc ghép cặp, tạo điều kiện giao phối của tê giác cũng đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Tê giác trắng nhí thứ hai chào đời hôm 20/4.
"Trước khi sinh, tê giác mẹ vẫn biểu hiện bình thường như những con khác. Tuy nhiên sau khi tê giác con lọt lòng, ‘giông bão’ mới bắt đầu nổi lên", chuyên gia chăm sóc động vật Nguyễn Đình Cao kể lại.

Sau vài tiếng chuyển dạ, 22h30 phút ngày 20/4, tê giác con chính thức chào đời. Thay vì tìm cách chăm sóc, tê giác mẹ đột nhiên hung dữ, liên tục húc mạnh vào tê giác con. Ngay lúc ấy, đội ngũ nhân viên lẫn bác sĩ nhận định tê giác mẹ rơi vào tình trạng hoảng loạn. Việc mang thai kéo dài có thể gây stress. Họ lập tức lên các phương án đối phó để bảo vệ cá thể mới sinh. Ông Cao kể trong trường hợp xấu nhất, nhân viên buộc phải tách tê giác con khỏi mẹ, tuy nhiên điều này cũng rất khó khăn vì sự hung dữ và cảnh giác của tê giác mẹ.

Sau đó, tâm lý cá thể mẹ dần ổn định lại, không còn gây nguy hiểm cho con non. Tuy nhiên, chuyện sinh nở căng thẳng vẫn chưa kết thúc, ý thức bảo vệ con khiến tê giác mẹ luôn đẩy con lên trước mặt, vì thế cá thể nhí không thể nào tìm được bầu sữa. "Sau khi sinh, con phải tìm được bầu vú và bú đợt sữa non đầu, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và sự phát triển của con nhỏ", Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng chăm sóc động vật Vinpearl Safari giải thích.

Lực lượng chăm sóc gồm 10 người như ngồi trên đống lửa, khi mọi nỗ lực dần trở thành bất lực, sự kiên nhẫn cạn kiệt dần thì đến 8h30 sáng - sau 10 tiếng vật lộn, tê giác con đã bú những giọt sữa đặc biệt đầu tiên. "Chúng tôi ai cũng hạnh phúc, chưa bao giờ cảm giác chờ đợi sinh nở vừa lâu, vừa căng thẳng, bồn chồn như lần này", ông Cao phấn khích nhớ lại.

Nhiều năm làm việc tại vườn thú Safari, việc tiếp xúc với những trận sinh nở căng thẳng không phải là điều hiếm gặp với các chuyên gia Nguyễn Đình Cao, Bùi Phi Hoàng hay bác sĩ Lê Hồng Nhật... Trước đó họ từng chứng kiến quá trình sinh nở khó khăn của loạt động vật quý hiếm như hà mã, thiên nga trắng cổ đen, hổ, báo, linh dương...
Các nhân viên đối diện với vô vàn khó khăn trong quá trình chăm sóc, bảo tồn và nhân giống động vật quý hiếm. Ngay từ giai đoạn đầu khi động vật mang bầu, từ cử chỉ nhỏ nhất, nhân viên chăm sóc phải lưu ý đặc biệt, kiểm tra mỗi ngày. Họ phải quan sát mọi biểu hiện, cảm xúc của con thú như thế nào, thậm chí cận ngày sinh phải thay phiên nhau túc trực 24/24 để đảm bảo thú sinh nở an toàn.

Chế độ ăn uống cũng được thiết kế đặc biệt, có khẩu phần riêng, phụ thuộc vào sở thích, thói quen đội ngũ chăm sóc bổ sung thêm các món ăn ưa thích. Trước khi sinh, tiếp tục bổ sung các vitamin và khoáng chất... để tăng cường dinh dưỡng, sức khỏe của tê giác trước khi vượt cạn. Chuồng trại cũng được kiểm tra đảm bảo sạch sẽ, thay mới lót nền chuồng để đảm bảo thú mới sinh được ấm, không bị lạnh, không ảnh hưởng tới cơ thể.

Giai đoạn chuẩn bị việc ghép đàn cho tê giác và các loài quý hiếm lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Ở một số vườn thú hay thậm chí công viên có diện tích chật hẹp, việc ghép đàn gần như không khả thi vì nếu khác đàn, khác lứa, tê giác, hổ, sư tử... thường dễ hung dữ, xung đột, đánh nhau không thể giao phối.
Đối với hà mã, các chuồng trại phải được thiết kế rộng rãi, với nhiều hồ nước có diện tích, độ nông sâu khác nhau để tạo điều kiện tốt nhất cho hà mã thỏa sức bơi lội. Nhiều loại cần môi sinh hoang dã, rộng rãi như hươu, linh dương sừng kiếm Ả rập, báo, khỉ, vượn... đều được đáp ứng đầy đủ.
Những công việc không tên vất vả, có nhiều ngày làm việc mệt nhoài khiến ông Cao và nhiều đồng nghiệp đôi lúc muốn từ bỏ. "Nhưng nhìn 'những đứa con tinh thần' sinh ra an toàn và lớn lên khỏe mạnh, chúng tôi đều thấy công sức mình bỏ ra xứng đáng", ông Nguyễn Đình Cao nói thêm.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nhật, điều trăn trở nhất của những người "ăn ngủ cùng động vật quý hiếm" là làm thế nào để tạo ra môi trường tự nhiên, gần gũi nhất với "quê hương" của chúng.
Ông Nguyễn Đình Cao và bác sĩ Lê Hồng Nhật - những người gắn bó với vườn thú từ những ngày đầu thành lập.
Hàng trăm chủng loại, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng liên tục chào đời tại Vinpearl Safari không phải là quá trình ngẫu nhiên. Theo ông Nguyễn Đình Cao, ban giám đốc và các thành viên xác định đầu tư nghiêm túc ngay từ những ngày đầu thành lập, với mục tiêu đưa vườn thú Safari Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung trở thành ngôi nhà của muôn loài.

Vinpearl Safari bắt tay với Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA và Hiệp hội vườn thú Việt Nam - VZA, chú trọng nâng cao phúc trạng động vật nhằm đem đến tiêu chuẩn sống tốt nhất cho động vật.

Nơi đây cũng hợp tác với các đối tác và những vườn thú có kinh nghiệm khắp trên thế giới như Tổ chức phúc trạng động vật hoang dã Wild Welfare, Hiệp hội vườn thú Australia, vườn thú Hellabrunn (Đức)... nhằm bảo tồn các loài thú hoang dã, quý hiếm khắp năm châu.
Ông Dave Morgan - Giám đốc vùng Wild Welfare (Tổ chức phúc trạng động vật hoang dã) - cho biết: "Về tổng thể, Vinpearl Safari đang có điều kiện sống và chăm sóc lý tưởng cho động vật. Hầu hết các khu vực sinh sống của các loài thú đều rất đầy đủ. Với tiềm năng ấy, tôi tin Vinpearl Safari sẽ trở thành công viên bảo tồn kiểu mẫu của khu vực. Đây là cơ sở bảo tồn động vật hoang dã quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á".

Với những loài có tính chất nguy hiểm như hoắc tinh tinh, hổ Belgan... khu vực nuôi nhốt được trang bị hệ thống khóa thông minh hai lớp, rào sắt kiên cố để tránh khách tham quan lẫn người chăm thú không bị nguy hiểm.

Theo những nhân viên chăm sóc động vật bán hoang dã, hắc tinh tinh vốn thông minh và khỏe gấp 10-15 lần người thường, nếu trang bị chuồng trại lỏng lẻo, chúng có thể phá hủy hệ thống rào sắt trong tích tắc.
Khu vực nuôi thả thuộc rừng nguyên sinh nằm ở phía Nam Phú Quốc, gần gũi với môi trường sống của động vật ở châu Phi, châu Á. Mỗi khu đều được phân chia rõ ràng bằng các hàng rào dài hàng km, đảm bảo thú lớn không thể nuốt thú bé. Khi tham quan sư tử, báo, hổ và những loài ăn thịt có tính hung hãn... du khách sẽ di chuyển bằng xe bus, các cửa xe lẫn cửa sổ được đóng kín để đảm bảo an toàn.

Với những khu vực sinh sống của thú lành tính như hươu cao cổ, hồng hạc, sóc, chồn... du khách sẽ được tự do đi lại, tuy nhiên vẫn có hàng rào bảo vệ hoặc đứng cách xa để thú không sợ hãi.

Các cá thể nhí (hổ, báo) có thể bồng bế, vuốt ve trong những tháng đầu
"Với những thú mới sinh như sư tử con, hổ... du khách hoặc nhân viên chăm sóc có thể ôm ấp, vuốt ve. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong những tháng đầu. Khi chúng đủ lông cánh, cứng cáp sẽ được cách ly ở khu bán hoang dã vì tính sát thương lúc ấy cao như động vật trưởng thành", đại diện vườn thú nói.

Nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Vinpearl Safari Phú Quốc để chiêm ngưỡng các loại động vật hoang dã từng biết qua sách vở hay tivi, internet. Những đứa trẻ hào hứng khi được vuốt ve sư tử con, tê giác nhí... Thế giới động vật muôn màu tại đây để lại trong họ nhiều kỷ niệm đẹp. "Tôi và các con của mình lần đầu được nhìn thấy hổ Belgan, hà mã, hươu cao cổ... Đây là chuyến đi ý nghĩa nhất của gia đình tôi", chị Hải Anh - du khách Hà Nội - tâm sự.