Thông tin được ông Đỗ Thành Long, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết. Theo ông Long, Bộ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành TƯ, của Bộ Chính trị, xác định hoàn thiện thể chế và pháp luật của ngành được xem là "nhiệm vụ căn cốt" của năm 2024. Theo đó có 4 Luật sẽ sửa đổi, bổ sung.
Đầu tiên sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ trong tháng 01/2024; trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024).
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm mục đích thể chế hóa, tạo thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh;
Các điều chỉnh cũng đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường, sức khỏe con người; góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Thứ hai sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ. Luật này đã ban hành và thực hiện được 10 năm. Trong quá trình triển khai bộc lộ một số điểm tồn tại, trong đó quy định về tổ chức khoa học và công nghệ công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định các chức danh về khoa học và công nghệ chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu...
Vì thế Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn quản lý và bảo đảm các điều kiện để khoa học và công nghệ đóng vai trò là quốc sách hàng đầu.
Bộ luật thứ ba được sửa đổi, bổ sung là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật này đã được ban hành và triển khai 15 năm. Trong đó 5 nhóm chính sách còn những điểm bất cập như: xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế; tăng cường tính hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các điểm vướng mắc này sẽ được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp thực tế hơn.
Thứ tư là sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Bộ Luật này đã ban hành 15 năm. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân và việc sửa đổi, bổ sung của nhiều đạo luật có liên quan đến việc thi hành Luật Năng lượng nguyên tử phát sinh chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành. Theo đó Luật "có nhiều điểm không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế", Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nói tại hội thảo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử hồi tháng 11/2023. Những điểm vướng mắc này sẽ được điều chỉnh và đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.
Ngoài 4 bộ luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sửa đổi, bổ sung một số nghị định liên quan đến quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, trình Chính phủ tháng 6/2024. Điều chỉnh này kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, thanh quyết toán; khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn tới.
Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập sẽ trình Chính phủ tháng 11/2024. Nghị định này được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thủ trưởng các tổ chức này.
Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trình Chính phủ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách.
Nghị định sửa đổi, bổ sung về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, trình Chính phủ tháng 12/2024.
Hải Minh