Thay đổi được chú ý và bàn luận nhiều nhất chính là Halo vốn được ấp ủ từ lâu và sớm thử nghiệm trong một số buổi đua thử nghiệm cuối 2017. Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) khẳng định thiết kế hiện tại của Halo là tối ưu và rất cần thiết để đảm bảo tính mạng cho các tay đua, tránh tai nạn tương tự như của Jules Bianchi tại Suzuka năm 2015. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Halo là bước đi quá vội của FIA, còn khán giả thì bàn tán rằng Halo trông quá xấu xí và không khác gì "quai dép lào".
Cấu tạo chính của Halo gồm ba thanh Titanium nhằm bảo vệ các tay đua khỏi những vật thể nguy hiểm văng ra trên đường đua. Thiết kế cơ sở của Halo đã được FIA quy định, nhưng vẫn còn nhiều "đất" để các đội đua tùy biến theo thiết kế khí động học riêng của từng đội. Để phù hợp với việc bắt buộc phải sử dụng Halo trên xe, giới hạn tối thiểu của trọng lượng xe cũng được tăng thêm 6 kg lên mức 734kg. Tuy nhiên, nhiều đội đua tiết lộ rằng trọng lượng khí động tăng thêm sau khi có Halo là 14kg chứ không phải là 6kg. Vì thế nhiều tay đua đã buộc phải giảm cân để tránh tăng trọng lượng xe quá nhiều.
Để thắt chặt về mặt khí động học, cánh gió T-wing (một cánh phụ ngang nằm phía trước và phía trên cánh sau) và vây cá mập trên nắp che động cơ nhằm định hướng luồng gió chạy qua thân xe phía sau, cũng đã bị FIA cấm sử dụng. Đây vốn là hai bộ phận được các đội đua tùy biến nhiều để đạt được lực nén tối ưu ở thân xe phía sau. Bên cạnh đó, thiết kế giảm xóc mà Ferrari và Red Bull thử nghiệm trong mùa giải năm ngoái với mục đích thay đổi khoảng sáng gầm xe tùy thuộc góc lái cũng đã bị cấm khi FIA xiết chặt.
Một vấn đề khác đang gây tranh cãi dù đã được FIA đề ra biện pháp ngăn chặn bằng thay đổi cho mùa giải 2018: quy định lượng dầu máy hao hụt mà các đội sử dụng cho mỗi 100km là dưới 0,6 lít. Mức trung bình các đội sử dụng trong mùa giải 2017 là 1,2 lít cho mỗi 100km. Trước đó Red Bull cáo buộc các đội đua tự chủ được động cơ như Mercedes và Ferrari cố tình sử dụng nhiều dầu máy để đốt cháy trong động cơ nhằm tối ưu hiệu suất, thu lợi về mặt khí xả và gia tăng lực nén của xe.
Về mặt động cơ, nhằm giảm chi phí cho các đội đua và buộc các nhà sản xuất động cơ phải thiết kế động cơ thiên về độ bền, FIA mùa này quy định mỗi tay đua chỉ được sử dụng ba động cơ trong suốt mùa giải kéo dài 21 chặng thay vì 4 động cơ trong 20 chặng như mùa giải 2017. Thay đổi này buộc các đội phải sớm tối ưu động cơ ngay từ đầu mùa giải thay vì liên tục phát triển động cơ trong suốt mùa giải.
Một vấn đề khác ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất là lốp xe, vẫn như mùa giải 2017 trong mỗi chặng đua các tay lái vẫn được phép sử dụng 3 loại lốp dùng cho trời khô ráo. Tuy nhiên số lượng loại lốp để các đội chọn lựa sẽ nhiều hơn khi Pirelli giới thiệu thêm lốp siêu cứng (Super Hard, viền hồng) và lốp quá mềm (Hyper Soft, viền cam).
Theo đó, bảng lốp dành cho trời khô ráo mà các tay đua được phép sử dụng trong mùa giải 2018 như sau (xếp theo độ cứng tăng dần): Quá mềm (Hyper Soft, viền hồng), Cực mềm (Ultra Soft, viền tím), Siêu mềm (Super soft, viền đỏ), Mềm (Soft, viền vàng), Trung bình (Medium, viền trắng), Cứng (Hard, viền xanh nhạt), Siêu cứng (Super Hard, viền cam).
Như vậy, mùa giải 2018 trên thực tế không có nhiều quy định, thay đổi ảnh hưởng lớn đến cục diện cuộc chơi. Các đội đua như Mercedes hay Ferrari và Red Bull được dự đoán vẫn là ba ông lớn có tiềm lực để giành ngôi vương trong mùa giải sắp tới.
Minh Phương