Thời xưa, người Trung Quốc quan niệm Táo quân, hay còn gọi là Thần bếp, sẽ tới thăm từng hộ gia đình trong tháng 12 năm âm lịch và bẩm báo lại với Ngọc Hoàng về những gì gia chủ đã làm trong năm qua.
Trước đêm Giao thừa, nhiều gia đình thường bày biện các món ngọt như xôi, bánh rán, chè đỗ đỏ để cúng ông Táo với hy vọng ông sẽ nói lời ngọt ngào khi bẩm báo. Sau đó, mọi người sẽ đón ông Táo quay lại bằng cách thắp hương và đốt giấy tiền vàng mã.
Tuy nhiên, phong tục này đã dần biến mất ngày nay vì nhiều gia đình chuyển sang ở nhà hiện đại, không còn sử dụng loại bếp lò truyền thống.
Người Trung Quốc ai cũng biết đến chuyện dân gian về "Niên", từ đồng âm với "năm", con thú thần thoại theo tương truyền thường hoành hành khắp làng xóm, phá hoại nhà cửa và ăn thịt dân làng.
Dân làng phát hiện "Niên" rất sợ tiếng ồn lớn. Vì thế, họ đổ thuốc súng vào ống tre khô, ném vào đống lửa. Tiếng nổ phát ra dọa "Niên", xua đuổi nó khỏi làng. Về sau, pháo xuất hiện và được dùng để đuổi tà ma.
Người Trung Quốc thường đốt một bánh pháo nhỏ lúc nửa đêm để báo hiệu năm cũ đã qua, sau đó đốt ba bánh pháo lớn để chào năm mới. Pháo nổ càng to thì 12 tháng tới càng thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc và đặc khu Hong Kong đã cấm người dân tự ý đốt pháo từ lâu vì lý do an toàn.
Theo truyền thuyết, hai ngày đầu tiên của Tết nguyên đán cũng là ngày sinh của Thủy thần, vị thần sẽ tức giận khi thấy người dùng nước gội đầu, giặt giũ. Cũng có truyền thuyết cho rằng từ "tóc" trong tiếng Hán và tiếng Quảng Đông phát âm là "fa", đồng âm với từ "fa" trong "phát đạt", nên người nào gội đầu sẽ giội đi thịnh vượng của mình trong năm tới. Do đó, nhiều người kiêng giặt giũ và gội đầu trong hai ngày đầu năm mới. Hiện nay, truyền thống này phần lớn bị bỏ qua, đặc biệt ở các vùng nóng nực và ẩm ướt.
Người Trung Quốc quan niệm ngày mùng 3 Tết Nguyên đán là Xích Cẩu Nhật, vị thần Giận dữ thường đi lang thang trong ngày này. Những người đụng phải thần Xích Cẩu sẽ xui xẻo cả năm.
Ngoài ra, từ "xích cẩu" phát âm gần giống từ "xích khẩu", nghĩa là cãi nhau với gia đình, làng xóm. Vì thế, nhiều người sẽ ở nhà, kiêng tới thăm hoặc tiếp đón người khác trong ngày mùng 3 Tết để tránh vô tình đụng độ thần Xích Cẩu.
Ngày nay quan niệm này đã không còn phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thích ở nhà để ngủ nướng và tránh giao tiếp xã hội.
Người Trung Quốc xưa còn quan niệm quét nhà, lau nhà và vứt rác trong những ngày đầu năm mới đồng nghĩa với việc quét dọn may mắn và thịnh vượng của năm mới ra khỏi nhà. Vậy nên, họ sẽ cố gắng dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa tới trước Giao thừa và không động tới cây chổi hay giẻ lau nhà trong 2-5 ngày đầu Tết nguyên đán. Hiện nay, phong tục này hiếm khi xuất hiện ở các thành phố lớn nhưng vẫn được duy trì ở một số vùng quê.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)