Khi các cường quốc trên thế giới đang chạy đua hướng đến xe điện và công nghệ tự hành cho tương lai gần, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Bằng chứng là một vài doanh nghiệp trong nước đã tiến hành nghiên cứu xe điện tự hành và thu về những kết quả tích cực.
Trên tuyến đường dài 3 km nối hai khối văn phòng của công ty FPT Software tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), các cán bộ nhân viên di chuyển qua lại trên chiếc xe không có tài xế. Đây không còn là ý tưởng được đưa ra trong một buổi hoạch định chiến lược cho tương mà đã trở thành hiện thực.
Mẫu xe thực hiện các bước tự hành được điều khiển bằng công nghệ do các kỹ sư mảng Global Automotive của công ty phát triển. Xe di chuyển không cần người lái, tốc độ trung bình 10 km/h, tối đa 15 km/h. Khi gặp vật cản xe tự phanh, dừng lại, đồng thời tự xử lý khi gặp các khúc cua, rẽ.
"Chìa khóa" để mẫu xe tự hành của công ty hoạt động là thuật toán tạo bản đồ 3D (3D Map) và xác định vị trí để xây dựng lộ trình xe di chuyển. 3D Map có độ chính xác cao nhờ hệ thống quét và phân tích điểm ảnh nhạy, giúp việc xác nhận vị trí, định vị và điều khiển xe trên đường với diện tích di chuyển rộng. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được áp dụng để phát hiện các vật cản xung quanh bán kính xe chạy.
Không chỉ giúp tính toán không gian, vận tốc di chuyển, phần mềm trên xe còn quản lý các thông số về hiệu năng pin, các chuyến đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành... Xe lắp hệ thống cơ khí, bo mạch điện tử do công ty thiết kế riêng, cùng thiết bị khác như máy tính Intel NUC, LiDAR Hesai... Hiện công ty này tự đánh giá sản phẩm của mình đạt chất lượng tương đương cấp độ 3/5 do Hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE- Society of Automotive Engineers) đưa ra.
Nhỉnh hơn sản phẩm của FPT Software về cấp độ tự hành là mẫu xe của Đại học Phenikaa (Hà Nội). Tiến sĩ Lê Anh Sơn, trưởng nhóm nghiên cứu dự án này cho biết, các tính năng tự hành của xe đạt đến chuẩn cấp độ 4 (tiêu chuẩn SAE) nhờ trang bị bản đồ 3D, các cảm biến LiDAR và GPS phân giải cao, công nghệ học máy, học sâu.
Các tính năng kể trên hỗ trợ 4 nhóm hệ thống gồm hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn, hệ thống nhận diện và hệ thống điều khiển thông minh. Đây là cơ sở quan trọng để giúp mẫu xe điện của Phenikaa có khả năng tự hành với vận tốc trung bình 20 km/h, tự động giảm tốc độ khi vào góc cua hay gặp vật cản phía trước.
Tiến hành nghiên cứu từ tháng 7/2020, mẫu xe của Phenikaa sử dụng kết hợp hệ thống bản đồ 3D, định vị GPS, cảm biến LiDAR, laser để tính toán khoảng cách và xác định vị trí xe trên bản đồ với độ chính xác dưới 1 cm. Nhóm nghiên cứu tự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để giúp xe tự động nhận diện làn đường, cảnh vật, người đi đường. Đồng thời xử lý nhanh trong từng tình huống cụ thể như dừng xe khi có biển báo, người qua đường, các khúc cua.
Tiến sĩ Sơn nói rằng, Việt Nam hiện chưa có văn bản dưới luật về xe tự hành tham gia giao thông, vì vậy nhóm mong muốn đưa sản phẩm này phục vụ khu du lịch, sân golf.
Phạm Trung