Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential vừa phối hợp tổ chức Hội thảo kỹ thuật tham vấn kết quả nghiên cứu "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" và "An sinh xã hội cho người cao tuổi" trong bối cảnh già hoá dân số ở Việt Nam. Các nghiên cứu do Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Viện Y - Xã hội học (ISMS) phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Prudential.
Khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" được tiến hành trên 2.019 người từ 30 đến đủ 44 tuổi tại 6 tỉnh thành phố là Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, An Giang, TP HCM, trong tháng 9 và 10/2021. Theo đó, chỉ có 28,4% người được hỏi cho biết, có lên kế hoạch để đạt được cuộc sống như mong muốn khi về già.
Trong đó, về mặt tài chính, khoảng 76,14% người đã lên kế hoạch chuẩn bị để đạt mục tiêu mong muốn. Để duy trì sức khỏe thể chất, mọi người sẽ hoạt động thể dục, thể thao (64,16%) và ăn uống hợp lý (60,88%). Với vấn đề sức khỏe tinh thần, những người được hỏi cho biết nên duy trì mối quan hệ tốt trong gia đình và cộng đồng (gần 27,97%) và giữ cho tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng (23,79%). Bên cạnh đó, có 48,35% đối tượng khảo sát cho biết sẽ tham gia các hoạt động xã hội khi về già.
"Mức độ tự tin cũng như sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt còn chưa cao, đặc biệt về mặt tài chính. Nếu tính theo thang điểm 10 thì sự chuẩn bị của nhóm người khảo sát mới chỉ đạt 5,32 điểm, tức là ở mức trung bình thấp", Phó giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long - đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát chia sẻ tại hội thảo.
Theo báo cáo, tỷ lệ người dự kiến có nguồn thu nhập từ lương hưu chưa cao, khoảng 32,43%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp và kỳ vọng về thu nhập có thể đủ sống từ lương hưu chưa cao. Gần 5% nói rằng không biết hoặc sẽ không có nguồn thu nhập nào khi về già. Hơn một nửa số người được hỏi, cho biết, bảo hiểm nhân thọ là một phần tiết kiệm, đầu tư nhằm đảm bảo cho cuộc sống khi về già.
Tài chính là điều khiến nhóm tuổi 30-44 cảm thấy thiếu tự tin nhất khi chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già, nhưng sức khỏe lại là yếu tố ảnh hưởng phổ biến đến quyết định nghỉ hưu của nhóm này. "Trong số những người được hỏi, có hơn 28% dự định sẽ nghỉ hưu đúng tuổi quy định, trong khi tỷ lệ dự kiến nghỉ hưu trước tuổi hoặc sau tuổi quy định khoảng 17%. Bên cạnh đó, hơn 41% dự kiến nghỉ hưu ở độ tuổi từ 45-55 tuổi và gần 39% sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi từ 55 đến dưới tuổi quy định. Có hơn một nửa số người ở thành thị có dự định nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 45-55 tuổi", báo cáo này cho biết.
Hầu hết mọi người đều mong đợi có đủ sức khỏe để tự phục vụ bản thân, chăm sóc gia đình, người thân và để tiếp tục làm việc. Đa số có suy nghĩ sẽ chăm sóc con cháu và tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ, đoàn thể... khi về hưu.
Ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội, cho biết, kết quả khảo sát là các bằng chứng khoa học quan trọng cho công tác xây dựng và hoạch định chính sách thích ứng với già hóa dân số nhanh của Việt Nam trong thời gian tới.
"Khảo sát giúp nhận dạng sâu sắc các vấn đề và các hàm ý chính sách nhằm tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già của người dân Việt Nam, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh", ông Hiến nói.
Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đang trong quá trình già hóa dân số nhanh. Theo dự báo, thời gian chuyển từ "bắt đầu già" (ageing) sang "già" (aged) là chỉ khoảng 26 năm (bắt đầu từ 2011 đến năm 2036). Với tốc độ này, dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 21,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên.
Theo ông Bùi Tôn Hiến, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ còn hạn chế, đồng thời việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức. Việc tìm hiểu các điều kiện kinh tế - xã hội và sức khỏe, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già của nhóm dân số sẽ trở thành người cao tuổi trong 20-30 năm nữa là rất cần thiết để góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất, và tinh thần cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam.
Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng: "Vấn đề già hóa dân số nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức mà sẽ trở thành cơ hội cho xã hội". Thông qua khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già", Prudential Việt Nam mong muốn đồng hành và chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các vấn đề về già hóa dân số nói chung để già hóa không là gánh nặng.
"Prudential mong muốn đặt nền móng xây dựng một cộng động có hiểu biết và bắt đầu có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho một cuộc sống tuổi già độc lập, năng động. Đây là một trong những dự án dài hạn của Prudential để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, khẳng định cho cam kết hành động vì một cộng đồng người Việt khỏe mạnh và thịnh vượng", ông Phương Tiến Minh bày tỏ tại hội thảo.
Tại sự kiện, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội cũng đánh giá cao những nghiên cứu, hoạt động liên quan đến thích ứng với già hóa dân số và phát triển bền vững xã hội của Tập đoàn Prudential Châu Á nói chung và Prudential Việt Nam nói riêng, cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của đơn vị trong chuỗi hoạt động lần này.
Huyền Anh
Ảnh: Prudential