"Sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã bước sang giai đoạn đe dọa mới, nghiêm trọng và cận kề hơn với an ninh Nhật Bản", AFP dẫn thông báo từ chính phủ Nhật Bản hôm nay. Nhật Bản cần cải thiện đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa.
Nội các Nhật Bản thông qua đề xuất bố trí hai hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore tại hai địa điểm để radar trong hệ thống có thể bao trùm toàn bộ Nhật Bản.
Theo các nguồn tin hiểu kế hoạch, chi phí ký hợp đồng với Mỹ và triển khai các hệ thống, bao gồm xây dựng cơ sở mới, ước tính khoảng 200 tỷ yen (1,8 tỷ USD). Các hệ thống có thể hoạt động sớm nhất vào năm 2023.
Aegis Ashore là phiên bản trên mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phát triển cho các tàu chiến. Aegis Ashore bao gồm tất cả vũ khí và thiết bị của phiên bản gốc nhưng được triển khai cố định trên mặt đất nên giúp các lực lượng phòng vệ dễ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu hơn.
Với quyết định này, Nhật Bản sẽ có thêm một lớp phòng thủ tên lửa, ngoài hệ thống PAC-3 và các tàu khu trục có hệ thống Aegis. "Các tàu chiến phải trở về cảng định kỳ để bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu. Với hệ thống phòng thủ trên mặt đất, chúng tôi có thể tác chiến 24/7", một quan chức Nhật Bản nói.
Nhật Bản dự kiến có ngân sách quốc phòng 46 tỷ USD cho năm tài chính 2018 để đối phó Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong tháng 12 nói Nhật Bản muốn mua các tên lửa hành trình tầm bắn 900 km từ một công ty Mỹ.
Căng thẳng tại khu vực hiện ở mức cao, liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên năm nay đã hai lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay qua Nhật Bản ra Thái Bình Dương. Triều Tiên còn dọa "nhấn chìm" Nhật Bản xuống đáy biển.
Triều Tiên hôm 29/11 phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-15, được mô tả là có tầm bắn bao trùm Mỹ và vượt qua những lá chắn tên lửa Nhật Bản hiện có.
Như Tâm